Nữ tỷ phú Vietjet lần đầu tiết lộ về hệ sinh thái hàng không mới

Giang Linh - 17:32, 09/11/2017

TheLEADERTham gia phiên đối thoại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân APEC sáng nay tại Đà Nẵng, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lần đầu tiên đề cập đến khái niệm hãng hàng không hoàn toàn mới mà Vietjet sẽ vận hành: Consumer Airlines (Hãng hàng không của người tiêu dùng).

Bà Thảo tham gia thảo luận tại APEC CEO Summit sáng 9/11

Bà Thảo giải thích, Vietjet sẽ không đơn thuần chỉ vận chuyển hành khách mà muốn kết nối để phục vụ con người, kết nối dịch vụ, kết nối các ngành nghề kinh doanh khác nhau, tạo nên hệ sinh thái hiện đại để phục vụ mọi nhu cầu của con người.

Việc kết nối sẽ thực hiện thông qua kết hợp giữa thương mại điện tử (e –commerce) và hệ thống phân phối hàng tiêu dùng (logistics).

Từ trước đến nay, trong mắt hành khách, Vietjet được nhận diện như một hãng hàng không giá rẻ, nhưng quan điểm của lãnh đạo Vietjet là xây dựng một hãng hàng không thế hệ mới.

“Tôi có quan điểm là bên cạnh việc tìm kiếm lợi nhuận thì mục tiêu cao hơn của kinh doanh là tạo ra giá trị, nhất là các giá trị mới mẻ cho cộng đồng. Khi chi phí đi lại, vận chuyển thấp, sản lượng cao, đó là tiết kiệm cho toàn xã hội, kích thích nhu cầu đi lại, du lịch, giao thương,” bà Thảo nhấn mạnh.

Người được Forbes vinh danh là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á khẳng định, với việc đầu tư đội máy bay hơn 200 chiếc, Vietjet không chỉ tăng sức mạnh cho hàng không Việt Nam mà còn mở rộng kết nối cho hành khách.

Vietjet đang khai thác 45 máy bay A320 và A321 với khoảng 350 chuyến bay mỗi ngày trên 73 đường bay ở Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan.

Bên cạnh kế hoạch vận chuyển 20 triệu lượt hành khách trong năm tới, Tổng giám đốc Vietjet cho biết, hãng đang khởi động kế hoạch kết nối mạng bay toàn cầu thông qua quan hệ Interlines với các hãng hàng không khác.

Hiện tại, Vietjet đã kết nối hệ thống với Qatar Airways, đang triển khai với Japan Airlines và sắp tới ký kết với Asiana Airlines. Ngoài ra, Vietjet cũng đang trong quá trình thảo kết nối với hãng hàng không ở châu Âu và Mỹ.

Nếu như mô hình hàng không chi phí thấp phổ biến hiện nay chỉ bay trong bán kính 2-3 giờ bay thì bà Thảo cho biết, sắp tới hành khách Vietjet có thể bay tới hầu khắp tất cả các nước trên thế giới thông qua mạng lưới kết nối.

Việc kết nối giữa các hãng hàng không là thách thức lớn vì sự khác biệt về chuẩn mực và hạng nhưng nữ tỷ phú giàu thứ nhì Việt Nam cho biết, Vietjet được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế về dịch vụ, vận hành, tàu bay… và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để kết nối với các hãng hàng không trên thế giới ở bất cứ thị trường nào, dù là thị trường phát triển trong khu vực, châu Âu hay châu Mỹ.

Việc mở rộng kết nối với các thị trường cũng như kết nối hành khách theo hệ sinh thái mới đối với nữ tỷ phú mới được Forbes xếp hạng trong 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới là nhằm đưa hàng không từ chỗ là dịch vụ xa xỉ trở thành phổ biến, giống như giúp hàng triệu hàng khách trong nước lần đầu tiên được đi tàu bay trong 5 năm hoạt động vừa qua.

Trước đó hai ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, ông Tô Việt Thắng- Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, Việt Nam đang là thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Châu Á- Thái Bình Dương và vẫn đang còn nhiều dư địa để phát triển.

Theo ông Thắng, Chính phủ Việt Nam đang có những “hậu thuẫn” mạnh mẽ cho ngành hàng không, biểu hiện cụ thể là việc đầu tư tới 10 tỷ đô la Mỹ cho các dự án hạ tầng và những cải cách mạnh mẽ trong quản lý, điều hành ngành hàng không. 

Ông Thắng tin rằng, trong một thời gian ngắn nữa, hạ tầng hàng không của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng không có cơ hội “cất cánh”, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội để mọi tầng lớp người dân được di chuyển bằng tàu bay- phương tiện giao thông hiện đại một cách thuận lợi, dễ dàng.

Theo ông Thắng cho rằng, với đội máy bay hùng mạnh do các hãng đầu tư, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới, bao gồm phát triển các dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng kỹ thuật, logicstic, sản xuất linh kiện.