Ông Đoàn Ngọc Hải đang đánh nhau với cối xay gió?

Quang Vũ - 07:35, 26/09/2017

TheLEADERĐối với một cơ quan công quyền, việc triển khai các biện pháp hành chính không thể mang dấu ấn cá nhân. Việc lập lại trật tự lòng, lề đường ở quận 1 chỉ nói được cái tên Đoàn Ngọc Hải thì công việc này sẽ thất bại!

Ông Đoàn Ngọc Hải đang đánh nhau với cối xay gió?
Phó chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM Đoàn Ngọc Hải.

LTS:  Việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM “tái xuất” dẹp vỉa hè với những phát ngôn gây sốc đang tạo sóng dư luận. Để có kết quả bền vững trong việc tạo lập mỹ quan đô thị chắc chắn không chỉ dựa vào biện pháp hành chính. Các nhận định của các nhà báo, nhà nghiên cứu, doanh nhân trong chuỗi bài khởi đăng trên TheLEADER sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Bài 1: Ông Đoàn Ngọc Hải có đang đánh nhau với cối xay gió?

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 lại “tái xuất” dọn dẹp lòng, lề đường sau một thời gian im ắng không rõ lý do. Kỳ này ông có vẻ mạnh tay hơn và hình ảnh, phát biểu của ông tràn ngập trên báo mạng và mạng xã hội. Một số sự kiện thu hút dư luận là ông đề nghị Phòng Tài nguyên môi trường phạt nhà hàng Thuận Tuấn ở đường Trường Sa của bà mẹ vợ của ông vì xả nước thải trái phép, ông tuần tra với đoàn kiểm tra liên ngành bất kể ngày đêm, mưa gió để phạt các xe ô tô đậu trái phép, cấm các bãi xe hết hạn giấy phép hoạt động. 

Ông còn đề nghị cách chức lãnh đạo vài phường để nhà hàng, quán ăn chiếm dụng lề đường (nhưng đến nay chưa ai bị cách chức! ). Ông công khai số điện thoại di động, nhận được hàng ngàn tin nhắn, trong đó có tin nhắn đe dọa, dọa giết ông.

“Hiện tượng” Đoàn Ngọc Hải đang tạo ra những nhận định trái ngược nhau. Một số người khen ông can đảm, nghiêm chỉnh thực thi phép nước về quản lý đô thị, không cả nể, không ngại đụng chạm và sự kiện một phó chủ tịch quận thân chinh dẹp lòng, lề đường đã tạo ra hiệu ứng rộng rãi trong xã hội, nhiều quận trong TP. HCM và thủ đô Hà Nội cũng làm theo. 

Nhưng những người phản đối ông cũng khá nhiều. Trước hết là những người kinh doanh trên lề đường, trong đó số đông là người lao dông tự do vì đụng đến “nồi cơm” của họ.

Một số lái xe cự cãi khi ông cho là họ đậu xe trái phép vì họ không biết đường bị cấm. Trong 8 tháng lập lại trật tự lề đường, quận 1 và 10 phường của quận đã phạt trên 1.000 vụ, thu hơn 3 tỷ đồng. Cái tên Đoàn Ngọc Hải trở nên quen thuộc với nhiều người, trên mạng xã hội người ta gọi ông bằng nhiều biệt danh như “sát thủ vỉa hè”, “Hải cẩu” (vì ông điều xe cần cẩu cẩu xe ô tô vi phạm về bãi để xử lý)…

Vấn đề đặt ra : Ai chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trật tự lòng, lề đường? Đó là cấp phường: phường có UBND, có bộ phận quản lý môi trường và đô thị, có các đoàn thể và có cả trung đội cảnh sát trong đó phần lớn là cảnh sát khu vực. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, là cán bộ quản lý đô thị cấp trung gian, phối hợp với UBND quận ban hành và triển khai các chính sách quản trên địa bàn quận và kiểm tra việc thực hiện như thế nào. 

Nếu có “vi hành” để xử lý tình trạng mất trật tự lòng, lề đường thì chỉ làm thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm triển khai cho các phường thực hiện.

Việc ông Đoàn Ngọc Hải làm suốt 8 tháng qua, thường xuyên xuất hiện trên các đường phố, “tả xung hữu đột” lập lại trật tự có phần hơi quá, là không thực hiện đúng chức danh và chức trách của mình. Chưa nói đến việc ông Hải còn nhiều công việc phải làm trong quản lý đô thị quận 1 chứ không phải chỉ chăm bẵm vào việc đi phạt những chiếc xe ô tô đậu tái phép và dẹp những người buôn bán lấn chiếm lề đường. 

Chính vì tự nhận trách nhiệm về mình mà không đôn đốc, kiểm tra việc phường triển khai, nên trong 1 tháng ông Hải tạm ngưng, không ra đường phố, nhiều vỉa hè ở 10 phường quận 1 lại bị tái chiếm. 

Còn một việc nữa là cần phải “dẹp loạn” trong nội bộ bởi vì ông Hải đã có lần phát biểu “có những lần xuất quân đi dẹp lề đường hoặc phạt các xe ô tô đậu trái phép thì có người báo và họ tự giải tán trước ”. Điều đó chứng tỏ có cán bộ phường làm "nội ứng" báo ra ngoài.

Việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải làm người ta nhớ lại sự thất bại của ông Nguyễn Văn Đua lúc là Bí thư quận ủy quận 3 TP. HCM (ông Đua sau này là Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, đã nghỉ hưu). 

Lúc mới nhận nhiệm vụ Bí thư quận ủy quận 3, ông Nguyễn Văn Đua bức xúc khi biết trong quận có khá nhiều nhà hàng có nữ tiếp viên mà người ta thường gọi là “bia ôm”. Nghi ngờ là những nhà hàng loại này có cán bộ phường, có công an “chống lưng” nên ông thân chinh đi dẹp. 

Ông huy động một số cán bộ đoàn thể và cả cán bộ nhân viên văn phòng quận ủy làm “trinh sát” cho ông, đến nơi nào mà có nữ tiếp viên thì điện thoại cho ông, ông đến thẳng nhà hàng đó và gọi điện thoại cho công an đến lập biên bản .Nhưng các chủ nhà hàng cho người “trinh sát” lại ông Đua, hễ ông Đua đi hướng nào thì lại báo cho các nữ tiếp viên giải tán. Còn các cô nữ tiếp viên, vì sinh kế ,chỉ theo mệnh lệnh của chủ nhà hàng chứ không sợ ông Nguyễn Văn Đua. 

Cuộc rượt đuổi giữa ông Bí thư quận ủy quận 3 TP. HCM và các nhà hàng “bia ôm” cuối cùng kết thúc vì ông Đua “mệt mỏi”, không có thời gian, không còn sức để tiếp tục vì còn phải làm nhiều chuyện khác cho quận. Các nhà hàng bia ôm lại tiếp tục hoạt đông!

So với việc dẹp “bia ôm” ở quận 3 thì việc lập lại mỹ quan đô thị ở quận 1 rộng lớn và phức tạp hơn nhiều. Mới đây, khi nói chuyện với một lái xe cự cãi vì bị phạt, ông Đoàn Ngọc Hải có một phát biểu gây sốc “đến quận 1 mà không biết luật pháp thì về U Minh mà ở”. 

Không thể chỉ dùng biện pháp hành chính để giải tỏa vỉa hè hay xử phạt các tài xế ô tô, mà phải có sự khảo sát, quy hoạch trên từng địa bàn phường, từ đó vạch ra một lộ trình sắp xếp hàng chục ngàn người lao động tự do đang buôn bán trên vỉa hè để tự “xóa đói giảm nghèo” mà chính quyền không hỗ trợ được gì cho họ. Còn đối với một số ít nhà hàng, quán nhậu được “chống lưng” biến hè phố thành lãnh địa kinh doanh của mình thì phải xử lý thích đáng.

Thử hỏi, ông Đoàn Ngọc Hải cùng với đoàn kiểm tra liên ngành của quận có đủ thời gian và sức lực suốt ngày đi đến cuối cùng của chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè hay chỉ như Đông-ki-sốt đánh nhau với cối xay gió. 

Giả dụ, ông Đoàn Ngọc Hải được điều động sang một công việc khác thì người kế nhiệm ông có làm như ông không? Đối với một cơ quan công quyền, việc triển khai các biện pháp hành chính không thể mang dấu ấn cá nhân, mà phải vận hành xuyên suốt theo một quy trình nhất định. Nếu việc lập lại trật tự lòng, lề đường ở quận 1 chỉ nói được cái tên Đoàn Ngọc Hải thì công việc này sẽ thất bại!