Ông Lê Quốc Ân: 'Zara, H&M đưa ra những bài học tốt cho thời trang Việt Nam'

Kim Yến (thực hiện) - 08:00, 15/09/2017

TheLEADERSự xuất hiện của ZARA, H&M hay ASOS… đưa đến những bài học tốt cho các nhà sản xuất thời trang trong nước, về lâu dài là có lợi cho ngành thời trang Việt Nam.

Ông Lê Quốc Ân: 'Zara, H&M đưa ra những bài học tốt cho thời trang Việt Nam'
Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội và Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Việt Nam có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bosini, và cao cấp như CK, mango, D&G, Topshop, Gap, Banana Republic, Tommy, Hifiger… 

Sự xuất hiện của Zara, H&M đã đe dọa không nhỏ đến phân khúc thời trang thông dụng Việt Nam với những tên tuổi lừng lẫy một thời như NinoMax, BlueExchange, PT2000, Canifa…

Điểm yếu nào lớn nhất đã khiến cho ngành thời trang Việt chao đảo trước cơn sóng hội nhập ngay tại sân nhà? Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chia sẻ với TheLEADER về mối lo ngại này.

Ông đánh giá thế nào về sự đổ bộ của các thương hiệu lớn từ nước ngoài như Zara, H&M…đến thị trường thời trang Việt Nam?

Ông Lê Quốc Ân: Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang lớn của nước ngoài như ZARA, H&M, ASOS.. đã áp dụng chiến lược “Đại dương xanh” trong kinh doanh và đã thành công. Chiến lược “Đại Dương Xanh” do GS. Chan Kim và GS. Rene Mauborgne của Học viện Insead, Pháp đề ra từ năm 2005 đã được nhiều công ty kinh doanh vận dụng, trong đó có các thương hiệu thời trang nói trên. 

Nội dung cơ bản của chiến lược này là “cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao hơn đồng thời có mức giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác trên thị trường”. 

Các thương hiệu Zara, H&M, ASOS..đã định vị khách hàng tiềm năng của họ là giới trẻ, giới có thu nhập trung bình và họ áp dụng đúng chiến lược này nên đã hấp dẫn được khách hàng trên khắp thế giới. Đây là những thương hiệu thời trang có mức phát triển mạnh nhất trên thế giới hiện nay. 

Zara mở cửa hàng tại Việt Nam năm ngoái và H&M vừa mở của hàng năm nay đã tạo ra những cơn sóng mua sắm nhộn nhịp và ấn tượng trong giới trẻ và làm cho thị trường thời trang tại Việt Nam thêm phong phú.

Sự đổ bộ ào ạt này có đe dọa các công ty thời trang Việt Nam không, thưa ông?

Ông Lê Quốc Ân: Trong ngắn hạn, trào lưu mua sắm này cũng có thể có ảnh hưởng nhất định đến các nhãn hàng Việt Nam có cùng đinh vị khách hàng như Ninomax, Blue, Foci, PT 2000…

Tuy nhiên về lâu dài, các thương hiệu Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh và duy trì chỗ đứng trên thị trường được nếu họ có chiến lược kinh doanh phù hợp như đinh vị lại thị trường mục tiêu, kiểm soát giá thành tốt hơn để có giá bán cạnh tranh hơn, hoặc tìm cách gia tăng tính khác biệt của sản phẩm và dịch vụ của mình…

Còn đối với các nhãn hàng có định vị khách hàng khác như An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10.. thì cũng không bị ảnh hưởng gì đáng kể.

Tóm lại, theo tôi sự xuất hiện của Zara, H&M hay ASOS… đã làm thị trường thời trang Việt Nam thêm phong phú, kích thích được nhu cầu tiêu dùng, đưa đến những bài học tốt cho các nhà sản xuất Việt Nam.. về lâu dài là có lợi cho ngành thời trang Việt Nam.

Còn trong thời gian qua, một số thương hiệu thời trang của Việt nam nếu có bị “hụt hơi” là do chính nội lực quản trị của họ. Cơ chế thị trường vận động như một cơ thể sống: Có đơn vị già cỗi chết đi và cùng lúc có đơn vị khác sinh ra và phát triển. 

Thực tế thì có một số đơn vị đã “hụt hơi” trước khi Zara hay H&M chính thức bước vào thị trường Việt Nam. Và cũng có những đơn vị vẫn tiếp tục phát triển như Nhà Bè, Việt Tiến, An Phước, Cosmo, SIR, HANDEE…

Theo ông, đâu là điểm yếu nhất của thời trang Việt Nam? Các nhà kinh doanh thời trang Việt Nam nên làm gì trước làn sóng hội nhập ngay trên sân nhà?

Ông Lê Quốc Ân: Điểm mạnh của các thương hiệu lớn của nước ngoài là công tác nghiên cứu phát triển, thiết kế, thương hiệu và quản trị chuỗi giá trị tốt. Điểm yếu của họ là không có lực lượng sản xuất, hầu hết phải đi gia công/ hoặc mua sản phẩm từ bên ngoài.

Chúng ta thì ngược lại: làm chủ được khâu sản xuất nhưng lại yếu về nghiên cứu phát triển, thiết kế, thương hiệu và quản trị chuỗi giá trị. Như vậy để có thể cạnh tranh và phát triển chúng ta phải nhanh chóng đầu tư cải thiện các điểm yếu nói trên. Quan trọng nhất là mỗi công ty cần đánh giá lại nội lực của mình, xây dựng và tập trung nguồn lực cho một chiến lược kinh doanh phù hợp. 

Thị trường thời trang Việt Nam với trên 90 triệu dân, sức mua tăng bình quân trên 10% mỗi năm là một thị trường hấp dẫn, đa dạng và có nhiều phân khúc khác nhau. Mỗi đơn vị cần có đinh vị thị trường riêng của mình, không nên làm theo kiểu “phong trào chim cút”.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!