Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 định hướng chiến lược tạo đột phá cho TP. HCM

Quỳnh Như - 13:53, 19/03/2018

TheLEADERCuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. HCM và hơn 300 doanh nghiệp diễn ra vào cuối tuần qua với chủ đề "Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp TP. HCM phát triển nhanh và bền vững" ghi đậm dấu ấn của sự cầu thị, thẳng thắn và quyết liệt đến từ những người lãnh đạo trong hệ thống chính quyền thành phố lớn nhất nước.

Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đây là năm đầu tiên thành phố chính thức triển khai Nghị quyết 54 của Quốc Hội, thời điểm đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả từ cơ chế đặc thù mà thành phố được nhận.

Tại hội nghị đối thoại, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu 4 nhóm nội dung quan trọng thành phố triển khai trong thời gian tới nhằm tạo đột phá.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 định hướng chiến lược tạo đột phá cho TP. HCM
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các doanh nhân tham dự hội nghị.

Nội dung thứ nhất liên quan đến tăng trưởng kinh tế, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hai năm vừa qua, kinh tế thành phố tăng trưởng khá và có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Năm 2016 tăng trưởng 8,05%, năm 2017 tăng 8,25%, năm nay phấn đấu trên 8,5%.

Tăng trưởng cao do phát huy được nhiều yếu tố, thứ nhất là đầu tư, TP. HCM đã huy động vốn xã hội rất tốt. Năm 2017, doanh nghiệp đầu tư 365.710 tỷ đồng, như vậy tính ra mỗi ngày thành phố được đầu tư 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền của doanh nghiệp, Nhà nước đóng góp ít.

Về thuế, trung bình một ngày tính cả thứ Bảy, Chủ nhật, thành phố thu được 955 tỷ đồng, nếu trừ Chủ nhật trung bình thu được 1.100 tỷ đồng/ngày tiền thuế.

Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thực tế việc xây dựng đường sá của thành phố chưa có đột phá, giải pháp đầu tư, cải cách hành chính cũng vậy nhưng thành phố có đột phá về đầu tư nước ngoài.

Trong 2 năm 2016 và 2017, tính cả đầu tư gián tiếp lẫn trực tiếp, thành phố thu hút được 10,06 tỷ USD dòng vốn từ nước ngoài, trung bình mỗi năm nhận được 5,03 tỷ USD. Trong khi, tổng vốn nước ngoài của năm năm trước chỉ vào khoảng 10,36 tỷ USD, trung bình mỗi năm nhận được 2,07 tỷ USD.

Nội dung quan trọng thứ hai chính là Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển dành cho TP. HCM có hiệu lực vào 15/1/2017, đến ngày 16/3/2018 đã được hiện thực hóa.

HĐND đã thông qua 6 nghị quyết để chuyển hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội, bao gồm:

Nghị quyết thứ nhất: HĐND đã thông qua 2 dự án đầu tư nhóm A. Nghị quyết 54 ủy quyền cho thành phố được quyền tự quyết định những dự án đầu tư nhóm A có vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trước đây phải do Thủ tướng quyết định.

Nghị quyết thứ hai: Chuyên đề “Cải cách hành chính gắn với sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. Đây là một nội dung rất quan trọng, HĐND thông qua nghị quyết yêu cầu UBND đề ra các giải pháp và cùng Mặt trận giám sát việc cải cách hành chính. Đặc biệt, nghị quyết này nhấn mạnh coi sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng. Trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ này, năm nào UBND cũng sẽ nghe các cơ quan báo cáo lại kết quả của chương trình cải cách hành chính.

Nghị quyết thứ ba: Thông qua Đề án tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức. Nghị quyết Quốc hội cho phép, đến 2022, tức là 5 năm nữa, mức thu nhập tăng thêm không quá 1,8 lần cho vị trí việc làm của công nhân viên chức. HĐND đã quyết định, năm nay sẽ tăng 0,6 lần thu nhập theo quy định vị trí việc làm của cán bộ nhân viên TP. HCM. Trong 10 năm qua, năng suất lao động của thành phố luôn gấp 2,7 lần cả nước.

Nghị quyết thứ tư: Thông qua chính sách các nhà khoa học và các tài năng trẻ khoa học tham gia vào việc thực hiện các dự án của thành phố.

Nghị quyết thứ năm: HĐND có nghị quyết điều chỉnh, bố trí lại thu phí môi trường nước thải theo quy mô nhằm vừa bảo vệ môi trường tốt hơn, vừa giảm thải. Trước đây, chỉ thu phí theo mức bình quân, không theo quy mô, giờ xả nhiều phải trả tiền nhiều.

Nghị quyết thứ sáu: Thu phí xe trên đường ở trung tâm thành phố nhằm vừa điều tiết để người dân không đi quá nhiều xe vào trung tâm, vừa có ngân quỹ quay lại phát triển hạ tầng.

Nội dung thứ ba chính là Đề án phát triển TP. HCM trở thành đô thị thông minh. Hiện tại thành phố đang triển khai phát triển các dự án thành phần. Ví dụ xây dựng các kho dữ liệu dùng chung, tích hợp, có khả năng tự cập nhật để các doanh nghiệp và các nhà quản lý khai thác. Xây dựng trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế thành phố, dự án trung tâm điều hành thành phố và trung tâm an toàn an ninh mạng…

Đề án này thể hiện sự đột phá về tư duy, một thành phố lớn như TP. HCM không thể hoàn toàn quản lý bằng kinh nghiệm mà phải quản lý trên cơ sở dự báo bằng máy móc, phần mềm, số liệu. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ triển khai giáo dục thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…

Nội dung thứ tư liên quan đến cơ chế điều chỉnh quy hoạch thành phố. Trong đó, đặc biệt chú ý tới việc thành phố có một sự điều chỉnh quan trọng: Ba quận gồm quận 9, quận Thủ Đức và quận 2 sẽ được tích hợp quy hoạch trở thành một trung tâm đô thị sáng tạo, là hạt nhân tiến hành cách mạng công nghiệp 4.0 của thành phố.

Quận 9 có khu công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước nhưng thành công nhất nước, rộng hơn 700ha với 35.000 lao động, thu hút 6 tỷ USD đầu tư, trên 7 tỷ USD xuất khẩu.

Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trong đó có hệ thống trường đại học quốc gia, với 1.500 tiến sỹ là giảng viên và các thầy cô giáo, 70.000 sinh viên.

TP. HCM có 2 cực, cực công nghệ cao (quận 9) và cực trí tuệ cao (quận Thủ Đức) liên kết với trung tâm giải trí và văn hóa (quận 2), ba cực này sẽ trở thành khu đô thị mới. Nói một cách nôm na, 3 quận này sẽ là khu đô thị sáng tạo tương tác cao với trên 1 triệu dân.