Ông Nguyễn Văn Đực: 'Tôi phản đối mô hình đứa con lai officetel'

Giản Phúc - 09:38, 11/09/2017

TheLEADERQuan điểm của ông Đực là mô hình mới này vẫn chưa được cấp phép và ảnh hưởng lớn đến hạ tầng xây dựng cũng như hạ tầng xã hội khu vực dự án tại TP. HCM nói riêng và trên cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Văn Đực: 'Tôi phản đối mô hình đứa con lai officetel'
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã nêu ý kiến như vậy tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) với Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) chiều 8/9 vừa qua. 

Quan điểm của ông Đực là mô hình mới này vẫn chưa được cấp phép và ảnh hưởng lớn đến hạ tầng xây dựng cũng như hạ tầng xã hội khu vực dự án tại TP. HCM nói riêng và trên cả nước nói chung. 

Giải thích chi tiết về mô hình này, ông Đực cho biết, ví dụ trong khu đất 100.000 m2, xin quy hoạch xây dựng để ở, thì hệ số sử dụng đất để ở là 7 và cho dịch vụ thương mại là 1. Nghĩa là diện tích ở được phép xây dựng là 70.000 m2 và thương mại dịch vụ là 10.000 m2. 

Diện tích khu thương mại dịch vụ này được tính toán là đủ để phục vụ nhu cầu của người dân toàn bộ khu đất đó, tránh ảnh hưởng đến hạ tầng dịch vụ của những nơi khác.

Nhiều doanh nghiệp cũng xây các khu thương mại dịch vụ theo đúng tỉ lệ. Nhưng có những khu nhiều toà nhà xây cạnh nhau và nằm cạnh các khu thương mại dịch vụ tư nhân khác, khiến việc kinh doanh của các khu này ế ẩm. Chẳng hạn như các siêu thị trong các chung cư trên đường Lê Đại Hành, quận 10, TP. HCM.

Từ “cái khó” này, nhiều doanh nghiệp “ló cái khôn” khi biến diện tích khu thương mại dịch vụ thành các căn hộ vừa làm văn phòng vừa đủ tiện nghi để ở, gọi là officetel. Loại căn hộ này có diện tích từ 25 - 50 m2 nên giá thấp hơn căn hộ thường.

Dù giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận nhưng rõ ràng, mô hình officetel là không đúng với cấu trúc xây dựng ban đầu. Đồng thời, mô hình “đứa con lai” này cũng vi phạm về số lượng dân cư được ở trên diện tích được cấp phép. Theo ông Đực, officetel đã phá vỡ toàn bộ hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng dịch vụ của khu vực xây dựng đó, không chỉ trong toàn nhà mà có thể ở đơn vị cả phường.

“Theo số liệu của tôi, hiện nay TP. HCM có trên 10.000 officetel xây dựng xong. Trong thời gian ngắn sắp tới, có khoảng 10.000 officetel nữa xuất hiện. Hiện nay, mỗi dự án căn hộ đang cõng theo 10 - 20% số lượng officetel, tức nếu dự án 1.000 căn hộ thì sẽ có thêm 100 - 200 officetel”, ông Đực cho biết.

Mô hình này hiện không chỉ có ở trung tâm TP. HCM mà còn lan ra đến các khu vực vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh… Nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng các  để quảng bá officetel như hỗ trợ khởi nghiệp, vừa ở vừa làm… Nhưng nói thẳng ra là để bán thêm phần diện tích không được phép bán để trục lợi.

Cái hại lớn nhất của mô hình này là tạo thêm gánh nặng cho hạ tầng khu vực, từ giáo dục, y tế, thương mại đến an ninh trật tự… Vì dân cư tăng thêm mà không đủ hạ tầng tại chỗ phục vụ. 

Đó là chưa nói đến khả năng xung đột giữa các cư dân, đơn cử như chuyện đóng phí bảo trì, vì fficetel có diện tích nhỏ hơn nhưng số người được ở bằng căn hộ thường.

Từ đó, ông kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương có các giải pháp phù hợp cho mô hình mới này trong thời gian tới.