Phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch đặc biệt

Đặng Hoa - 08:29, 24/12/2017

TheLEADERHà Giang dự kiến sẽ phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù trên Cao nguyên đá Đồng Văn như Một ngày của Pao, Chợ tình Khâu Vai, Một ngày với vua Mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, một ngày làm nương rẫy với người Mông ở Mèo Vạc, phố đi bộ và phố cổ ở Đồng Văn.

Phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch đặc biệt
Hà Giang rực rỡ sắc đào khi vào Xuân. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 2057/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại và đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Dự kiến đến năm 2020, khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ đón 800 nghìn lượt khách trong đó khách quốc tế đạt 130 nghìn lượt với tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. 

Đến năm 2025 đón 950 nghìn lượt khách với 250 nghìn lượt khách quốc tế, thu về khoảng 2.800 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 380 nghìn lượt, thu về khoảng 5.000 tỷ đồng.

Về cơ sở lưu trú, quy hoạch đặt mục tiêu đến 2020 có 2.600 phòng, số lượng sẽ tăng gấp đôi vào 5 năm sau và đạt 9.000 phòng vào năm 2030.

Một số sản phẩm du lịch đặc thù được đề xuất bao gồm: Một ngày của Pao, Chợ tình Khâu Vai, Một ngày với vua Mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, một ngày làm nương rẫy với người Mông ở Mèo Vạc, phố đi bộ và phố cổ ở Đồng Văn, du lịch khinh khí cầu.

Về định hướng phát triển, Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tập trung khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội, các đô thị trong vùng đồng Bằng sông Hồng; các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và từng bước mở rộng các thị trường lớn ở miền Trung và miền Nam.

Đồng thời, ưu tiên hướng đến phát triển thị trường quốc tế với các thị trường khách có khả năng chi tiêu cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng thị trường đến các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước Đông Âu.

Các sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch địa chất, du lịch cộng đồng, du lịch thiên nhiên, sản phẩm du lịch phụ trợ và một số sản phẩm du lịch đặc thù với 4 trung tâm du lịch và 5 phân khu du lịch chính là phân khu du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong, phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng, phân khu du lịch lòng hồ thủy điện Thái An, phân khu du lịch nghĩ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ và phân khu du lịch sinh thái Nặm Đăm.

Triển khai các tuyến du lịch quốc tế bằng ô tô tự lái (caravan tour) tới các điểm du lịch tại Lào, Bắc Thái Lan và Trung Quốc; các tuyến du lịch liên tỉnh với các tuyến vòng cung Tây Bắc, Đông Bắc, tuyến du lịch “tự trải nghiệm” và các tuyến du lịch nội tỉnh.

Để tập trung khai thác tiềm năng du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn, các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ được chú trọng đầu tư phát triển, bao gồm các cơ sở lưu trú, hệ thống cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, thương mại dịch vụ, và trung tâm thông tin; hướng đến phát triển đồng bộ, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nhằm khuyến khích đầu tư, các dự án đầu tư, các trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang sẽ được ưu tiên miễn giảm thuế; các cơ chế đặc thù dựa trên điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc hỗ trợ tối ưu sẽ được xây dựng và ban hành; nguồn nhân lực địa phương được khuyến khích đào tạo và sử dụng; đồng thời các doanh nghiệp đầu tư dự án tại các khu điểm du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp sẽ được hỗ trợ về đất đai và giải phóng mặt bằng.

Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích khoảng 232.606 ha trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước.

Nơi đây được đánh giá là vùng có hệ địa – sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng với quần xã rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn và hệ động vật phong phú, đa dạng; là nơi sinh sống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa phong phú.

Với những giá trị nổi bật, cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu năm 2010.