Phát triển kinh tế biển: xu thế tất yếu

Hoàng Duy Đông - Tổng cục Biển và Hải đảo - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERChiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đề ra mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển; đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển

Phát triển kinh tế biển: xu thế tất yếu
Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa. Ảnh TL

Tiềm năng và lợi thế

Biển Đông có diện tích hơn 2,8 triệu km2, bao gồm cả vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, là con đường giao lưu và thương mại quốc tế nối liền Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhiều vùng biển khác, có tầm quan trọng chiến lược không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà cả với nhiều nước khác trên thế giới.

Tiềm năng, lợi thế biển Việt Nam đa dạng và phong phú, gồm nhiều tài nguyên khác nhau, như: nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, ven biển, các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm và vật liệu xây dựng; các mỏ dầu khí ở vùng thềm lục địa, băng cháy ở vùng sườn lục địa, kết hạch sắt…Bờ biển dài chạy dọc theo chiều dài đất nước đã tạo ra những lợi thế đặc biệt để phát triển giao thông, vận tải, du lịch biển, đảo và xây dựng các công trình đô thị ven biển.

Theo các chuyên gia kinh tế biển bao gồm 9 lĩnh vực: (1) Dầu khí, khoáng sản, năng lượng (2) Thuỷ, hải sản (3) Vận tải biển (4) Công trình biển (5) Du lịch (6) Công nghiệp chế tạo (7) Dịch và biển (8) Nghiên cứu khoa học biển, giáo dục – đào tạo về biển (9) Phòng thủ quốc phòng – an ninh".

Trong số các nguồn tài nguyên biển của nước ta, trước hết phải kể đến nguồn năng lượng dầu khí, nguồn năng lượng khí đốt; chỉ tính riêng nguồn năng lượng dầu khí có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, trữ lượng ở ngoài khơi miền Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy biển Đông, mỗi năm có thể khai thác khoảng 20 triệu tấn; trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa dự kiến khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Trữ lượng khí đốt, khoảng 3 nghìn tỷ m3/năm.

Về tài nguyên sinh vật, đến nay chúng ta đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quí hiếm khác. Rạn san hô là hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình không chỉ có ở biển phía Bắc Việt Nam, mà còn là một trong những vùng biển có lượng san hô đa dạng cao trên thế giới, với khoảng 350 loài thuộc 72 giống san hô…; Các thảm cỏ biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiều loài sinh vật biển, theo thống kê gần đây tại 23 điểm của 12 tỉnh đã phát hiện được 15 loài cỏ biển sống trong các thảm cỏ có tổng diện tích 5.583 ha.

Về nguồn lợi hải sản, trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác bền vững 1,4 – 1,7 triệu tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho dân cư sống, ở vùng ven biển và là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Dọc theo trục bờ biển có hơn 200 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 50.000 ha. Trong đó, có hơn 100 khu công nghiệp đã đi vào vận hành với tổng diện tích gần 27.000 ha và hàng trăm địa điểm có thể xây dựng cơ sở đóng và sửa chữa tàu, xây dựng hải cảng và cảng nước sâu với quy mô lớn để làm cảng trung chuyển quốc tế. Mặt khác, biển Việt Nam được bao bọc bởi 10 nước và vùng lãnh thổ nên biển Việt Nam rất có lợi thế về giao lưu thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tài nguyên du lịch biển, cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng lớn để khai thác và phát triển tổng hợp. Dọc bờ biển có hàng trăm bãi tắm, trong đó có nhiều bãi tắm lớn có chiều dài từ 15- 18 km, còn lại trung bình có chiều dài từ 1-2 km, rất có điều kiện để khai thác phát triển du lịch biển.

Năng lượng thủy triều, sóng, gió và nhiệt là những tiềm năng tương đối lớn sẽ đáp ứng cho nhu cầu tương lai, cung cấp điện năng cho các đảo và đang được quan tâm, đưa vào nghiên cứu và sẽ ứng dụng trong thời gian gần.

Ngoài ra dưới đáy biển còn có nhiều loại khoáng sản quý hiếm khác, như: thiếc, titan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, mangan, đồng, kền, các loại đất hiếm, các loại vật liệu xây dựng….rất cần cho các ngành sản xuất công nghiệp và kim khí…

Vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ Bắc vào Nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Đây là những điều kiện lý tưởng để các loài sinh vật biển sinh sống và phát triển, tạo nên nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng.

Những tiềm năng này nếu được đầu tư khai thác một cách hiệu quả theo hướng bền vững, chắc chắn sẽ tạo ra những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trên thế giới, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên từ biển đang là xu thế tất yếu, khách quan nhằm bảo đảm các nhu cầu sống và không gian sinh tồn cho con người.

Ở nước ta, để phát triển kinh tế biển bền vững, thu hút nguồn lực đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế biển, rất cần có một chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển. Chiến lược phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Việc làm lớn đầu tiên là phải tiến hành sớm công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, củng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, để hiểu hơn về tài nguyên trên biển cũng như dưới đáy biển để bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền và trên biển, ô nhiễm xuyên biên giới; phòng chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cần tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương và các nước lân cận, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên biển, giảm thiểu các xung đột lợi ích; phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận yếu tố sinh thái trong phát triển biển và vùng ven biển đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng cũng cần được đưa vào áp dụng ở Việt Nam để phát triển biển bền vững, giữ biển hữu hiệu hơn nữa cho các thế hệ mai sau.

Với Nhà nước, cần có một cơ chế, chính sách đặc thù tạo ra những lợi thế ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia sâu vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển, đảo để biển, đảo mang lại hiệu quả cao nhất và bền vững nhất.

Chiến lược biển Việt Nam đến 2020

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, theo đó phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế từ biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước.

Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim nghạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.