Phát triển nhà ở xã hội: Doanh nghiệp phải “tự cứu mình”

An Chi - 08:13, 17/08/2017

TheLEADERSau khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016, thị trường nhà ở xã hội chững lại về cả lực cung lẫn nguồn cầu. Nhiều chủ đầu tư đã phải tìm cách tự cứu mình. chủ động bù lãi suất cho khách vay ưu đãi.

Phát triển nhà ở xã hội: Doanh nghiệp phải “tự cứu mình”
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Dài cổ… chờ ưu đãi tín dụng!

Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đã kết thúc giải ngân gần một năm qua. Tác động của gói tín dụng này đối với thị trường bất động sản và những người có thu nhập thấp là điều không thể phủ nhận.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực: Chính sách đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian qua, tạo điều kiện cho trên 50 ngàn cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở…

Đến 30/11/2016, chương trình đã giải ngân là 29.239 tỷ đồng, dư nợ là 24.166 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) là 23.845 tỷ đồng đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.

Ngoài ra, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp: (gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội): 5.395 tỷ đồng. Từ ngày 01/6/2016 đã dừng giải ngân bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm khách hàng này. Dư nợ đạt 3.516 tỷ đồng.

Ngay sau khi gói vay 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, Chính phủ đã có quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo nghị định 100. Theo đó, các nhóm đối tượng được quy định trong Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi này nhằm giải quyết khó khăn, giúp người có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua, đến nay việc triển khai vẫn chỉ dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn khiến cho phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội rơi vào cảnh trầm lắng, hàng triệu người mua nhà khó khăn.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, sau khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016, thị trường nhà ở xã hội chững lại về cả lực cung lẫn nguồn cầu. Nếu không tháo gỡ được vấn đề nguồn vốn cho phát triển loại hình sản phẩm này thì thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn.

Trước mắt là doanh nghiệp không bán được hàng, nhiều dự án đang thi công dở dang. Cùng với đó, những cam kết từ Chính phủ về ưu tiên tạo cơ hội sở hữu nhà cho người lao động thu nhập thấp rất khó khả thi.

Doanh nghiệp vẫn “chiều” khách hàng

Trước thực trạng này, để tự “cứu” mình, tại Hà Nội đã xuất hiện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay mua nhà tại dự án của mình.

Cụ thể, tại dự án The Vesta ở phường Phú Lãm (quận Hà Đông) do Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư đã công bố gói vay ưu đãi với lãi suất 5% trong vòng 15 năm đến các khách hàng có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại dự án này với giá bán từ 13,5 triệu đồng/m2.

Chủ đầu tư Hải Phát cho biết, doanh nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Vietinbank để hỗ trợ khách hàng mua nhà ở xã hội. Theo đó, khách hàng vẫn vay theo gói thương mại nhưng chỉ phải trả mức lãi suất 5% ổn định trong 15 năm, còn lại chủ đầu tư sẽ bù phần lãi suất vượt lên cho khách hàng. Chẳng hạn, nếu khách hàng vay với lãi suất 10% thì khách hàng chỉ phải trả 5%, còn doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 5% và sẽ trả tiền cho khách hàng phần hỗ trợ đó hàng tháng.

Theo ước tính, với quy mô gần 2.000 căn nhà ở xã hội, số tiền mà chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng trong suốt thời gian vay ưu đãi lên tới khoảng 80 tỷ đồng.

Lãnh đạo tập toàn Hải Phát cũng chia sẻ, nhu cầu mua nhà ở xã hội trong dân rất lớn. Nhiều khách hàng đã nộp hồ sơ từ lâu, nhưng do eo hẹp về thu nhập nên nếu không có chính sách vay ưu đãi, họ không thể mua nhà được. Trong khi đó, tập đoàn cũng không thể dừng xây dựng dự án để chờ chính sách. Phương án chấp nhận lấy lợi nhuận trong mức khống chế của nhà nước cho phép khi phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ cho khách hàng theo như đã công bố cũng là cách doanh nghiệp từ cứu mình, khơi thông dòng vốn khi mà dự án sắp hoàn thành mới bán.

Động thái đi đầu trong việc bù lãi suất hỗ trợ khách hàng vay mua nhà không chỉ là cách doanh nghiệp hỗ trợ người dân mua được nhà ở xã hội mà nó còn giúp chính doanh nghiệp bán được hàng trong thời điểm này.

Theo ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Hải Phát cho biết, nhờ áp dụng chương trình này, thanh khoản của dự án The Vesta rất tích cực. Hải Phát hiện chỉ còn một số lượng nhỏ căn hộ.

Cũng giống trường hợp dự án The Vesta, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) cũng phải đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 5%/năm trong 5 năm cho đối tượng mua nhà tại dự án.

Được biết, khu nhà ở xã hội Bamboo Garden đã được đưa vào sử dụng bao gồm hai tòa chung cư, mỗi tòa cao 9 tầng với các căn hộ có diện tích dao động từ 48m2 đến 66m2 với 432 hộ với sức chứa hơn 850 người. Dự án được bán với giá hơn 10 triệu đồng/m2 đi kèm miễn phí hai năm phí quản lý, dịch vụ bể bơi, xe bus hướng trung tâm Hà Nội.

Với trường hợp doanh nghiệp đang hỗ trợ khách hàng như dự án The Vesta, ông Giang cho rằng, doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho khách hàng nhưng chỉ phần nào, bởi vì tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%.

“Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cụ thể đối với phân khúc bất động sản này, nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu nhà ở, ổn định an sinh xã hội, đồng thời góp phần phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững", ông Giang kiến nghị.