Phía sau động thái cắt giảm lãi suất của Hàn Quốc

Hoàng Nhân - 10:19, 02/12/2017

TheLEADERNgân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 6 năm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ, gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương ở những thị trường khác.

Phía sau động thái cắt giảm lãi suất của Hàn Quốc
Ảnh: Wall Street Journal

Sau gần 10 năm theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách đang có những động thái phản ứng với tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát, tăng lãi suất thị trường trong mối lo ngại về khả năng thị trường tài chính và bất động sản trở nên ‘nóng’ quá mức.

Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương châu Á tiến hành tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng mạnh, lạm phát và tăng lãi suất ở Mỹ”.

Mặc dù cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang quan tâm hơn đến chính sách tiền tệ của họ, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn giữ được sức ảnh hưởng to lớn đến khu vực này.

Fed bắt đầu tăng lãi suất cách đây 2 năm và thông báo trong tháng 9 rằng sẽ bình thường hoá bảng cân đối kế toán trong vòng 3 năm tới, bắt đầu vào tháng 10, đánh dấu sự chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng

Masato Horie, nhà kinh tế tại phòng nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ, cho biết, một số ngân hàng trung ương châu Á đang bị áp lực phải tăng lãi suất để giảm tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ.

Khi lãi suất của Mỹ tăng lên, vốn có xu hướng chảy ra khỏi các khu vực khác - bao gồm cả Đông Á – và khi quay trở lại Mỹ, nó thường làm tăng giá đồng bạc xanh và đôi khi, làm rung chuyển các thị trường tài chính khu vực, gây ra sự mất giá trong cổ phiếu và trái phiếu. 

Sức ảnh hưởng của Fed đã được chứng minh trong năm 2013, khi mối lo ngại về việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm cho thị trường tài chính xấu đi, kể cả ở châu Á. Ngân hàng trung ương Indonesia, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã bị buộc phải tăng lãi suất để trợ giá cho đồng nội tệ.

Khu vực Đông Á bị ảnh hưởng bởi dòng vốn lớn hơn từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016 khi thị trường tài chính chứng kiến sự đối lập giữa Mỹ và Trung Quốc và lo ngại sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Điều này đã khiến dòng vốn chảy ra khỏi thị trường, không chỉ từ Trung Quốc, mà còn từ các thị trường châu Á khác.

Faraz Syed, một nhà kinh tế học tại Moody's Economy.com, cho biết châu Á lại một lần nữa chịu ảnh hưởng từ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái. Với chính sách kích thích của Trump, Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trước đó. Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nhất.

Các nền kinh tế châu Á, bao gồm Hàn Quốc, đã xây dựng kho dự trữ ngoại hối để đối phó với sự đảo chiều bất ngờ của vốn nước ngoài. Chẳng hạn, Hàn Quốc hiện có dự trữ 371 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 250 tỷ USD trước cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. 

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương châu Á biết rằng, việc dự trữ này chỉ là một phương án tạm thời – theo đó, nếu Mỹ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương Đông Á, nếu muốn giảm sự hấp dẫn của thị trường Mỹ, thì cần phải tăng lãi suất tại địa phương.

Ngoài ra, phần lớn người quan sát khá tự tin về triển vọng kinh tế, với những dự báo tích cực về tăng trưởng toàn cầu và khu vực gần đây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tăng dự báo tăng trưởng cho thế giới và châu Á mới nổi lên 0,1% mỗi năm, lần lượt là 3,6% và 6,5% cho năm 2017 và 3,7% và 6,5% cho năm 2018.

Lạm phát đang tăng, nhưng ở hầu hết quốc gia, mức tăng vẫn còn rất khiêm tốn. Philippines là một ngoại lệ: sự bùng nổ nhập khẩu được dự đoán sẽ tạo ra thâm hụt tài khoản ngắn hạn đầu tiên trong vòng 15 năm, làm cho giá đồng peso giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm so với đồng đô la và làm tăng lạm phát trong nước.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tăng trưởng trong bối cảnh nước này đang nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế từ tăng trưởng nhờ xuất khẩu sang tăng trưởng nhờ tiêu dùng trong nước và chuyển từ sản xuất sang phát triển dịch vụ.

Trong khi đó, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Á, vẫn cam kết theo định hướng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Nước này cũng đang nỗ lực chấm dứt hai thập kỷ trì trệ với sự kết hợp giữa cải cách cơ cấu và chính sách nới lỏng tiền tệ. Điều này có thể làm giảm áp lực lên các ngân hàng trung ương khác và giữ mức tăng lạm phát chậm. Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi kinh tế gần đây, áp lực về giá của Nhật vẫn được giữ vững, lạm phát cơ bản tăng rất chậm và chỉ đứng ở mức 0,7%, thấp hơn mục tiêu của BOJ là 2%.

Các ngân hàng trung ương không lúc nào là không lo lắng về các cú sốc thị trường có khả năng xảy ra. Các thị trường cổ phiếu trong khu vực đang bùng nổ, giống như ở thị trường Mỹ và châu Âu. Chỉ số MSCI các nước châu Á mới nổi đã tăng 39% kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Điều này cùng với sự gia tăng của thị trường nhà ở, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản có thể xảy ra, dẫn đến những sự điều chỉnh đột ngột. Ngân hàng HSBC báo động nợ công ở Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc hiện đang ở mức cao.

Báo cáo "Triển vọng thị trường chứng khoán châu Á" gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định thị trường chứng khoán khu vực sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn với sự hỗ trợ của tăng trưởng kinh tế vĩ mô và doanh thu của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo rằng "kịch bản ôn hòa nói chung không có chỗ cho sự tự mãn vì một số rủi ro tiềm ẩn có thể ập tới bất cứ lúc nào”.