Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công

Nga Vũ - 08:42, 16/11/2017

TheLEADERPhó Thủ tướng phát biểu trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội về công tác quản lý thuế, hải quan, nợ công...

Có 48 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các vấn đề: Giải pháp kéo giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý hóa đơn thuế, chống thất thoát nguồn thu của nhà nước; giải pháp ngăn chặn tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các vấn đề về giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; giải pháp đảm bảo thu chi ngân sách; đề nghị giải trình về các đề xuất tăng thuế; giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của bộ trước tình trạng công chức hải quan sai phạm phải ra hầu tòa;...cũng được đại biểu đặt câu hỏi.

Đặc biệt nhiều đại biểu đặt câu hỏi xung quanh vấn đề nợ công và các giải pháp quản lý bảo đảm an toàn nợ công, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần hoàng Ngân (TP.HCM) về quản lý nợ công công để đảm bảo an toàn nợ và nguồn vốn cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Dũng cho biết thời gian qua nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ công lớn. 

Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý chặt trần nợ công; quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát...

Bộ Trưởng cho biết, các giải pháp trong thời gian tới là: tập trung vốn vay cho các dự án quan trọng, từng bước kiểm soát mức tăng nợ công; xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và lộ tình cắt giảm bội chi; kiểm soát bội chi bằng cách siết chặt bảo lãnh chính phủ. 

Trong năm nay gần như Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào; bám sát Quốc hội ra nghị quyết tài chính 5 năm; kiên quyết trong việc giải ngân vốn vay ODA và ưu đãi để thực hiện theo quy hạch; cân đối và bố trí trả nợ theo đúng hạn; tăng cường thanh tra kiểm tra tài chính công; thực hiện kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu.

Làm rõ thêm vấn đề nợ công trước Quốc Hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2016 - 2020. Trong bối cảnh này, nhiều thành viên Chính phủ, một số đại biểu quốc hội và các chuyên gia khuyến cáo Chính phủ trình Quốc hội xin nới trần nợ công, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển và đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh, an sinh xã hội...

Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng, trần nợ công chỉ là một yếu tố, khả năng trở nợ là quan trọng. Tổng trả nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với xin tăng trần nợ công, thay vào đó Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án cơ cấu lại bội chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Bộ Chính trị cũng đã có riêng một nghị quyết về vấn đề này cuối năm 2016.

Với mục tiêu đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực nhất giữ vững an ninh tài chính quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết các mục tiêu cụ thể là: tỷ lệ huy động vào ngân sách phấn đấu đạt 20% - 21% GDP, cơ cấu lại các khoản thu ngân sách trong đó giảm các thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và tăng thu nội địa, chi ngân sách giữ trong khoản 24-25% GDP, chi thường xuyên giảm dưới 64%. Giảm dần bội chi đến 2020 xuống còn 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54%GDP và nợ nước ngoài, quốc gia không quá 50% GDP.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phần trả lời bổ sung về đầu tư công trước Quốc Hội. Ông Dũng cho biết hiệu quả đầu tư công của các dự án vẫn chưa tốt nguyên nhân là trước đây chưa có Luật đầu tư công nên việc quyết định đầu tư vẫn đang còn tùy tiện vượt khả năng cân đối của ngân sach cả của Trung ương và của địa phương. 

Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020 khi Luật Đầu tư công đã được ban hành thì các dự án đã bám sát với ngân sách. Nợ đọng và ứng đã được tập trung trong giai đoạn 2016 – 2020 để xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án được duyệt có tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế, vượt hơn rất nhiều so với tính toán nhưng hiện tại chưa có biện pháp nào để kiểm soát được. Triển khai đầu tư phải thực hiện rất nhiều thủ tục như đầu thầu, giải phóng mặt bằng… làm cho thời gian bị kéo dài và vốn đầu tư bị đội lên, buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên thì không có nguồn để bố trí buộc phải dừng, giãn, hoãn.

Về hướng giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ đã trình lên Quốc hội Kế hoach tái cơ cấu đầu tư công. Ngoài ra Chính phủ cũng đã giao Bộ tổng hợp rà xoát lại toàn bộ các bất cập trong việc thực hiện đầu tư công để trình lên Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư.

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, hôm nay đại biểu quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong ngày đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn các nội dung về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng nhà nước sẽ trả lời chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Đặc biệt là các vấn đề về hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Đây là lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước quốc hội.