Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long chia sẻ cách hàng Việt cạnh tranh hàng Thái

Kiều Mai - 16:38, 03/01/2018

TheLEADERNgoài nỗ lực của doanh nghiệp Việt thì cần sự hỗ trợ từ các trung tâm khuyến nông, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu trong việc cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cũng như hướng dẫn thiết kế mẫu mã bao bì, ông Nguyễn Thái Dũng nói.

Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long chia sẻ cách hàng Việt cạnh tranh hàng Thái
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long.

Một điều dễ nhận thấy tại thị trường Việt Nam những tháng vừa qua là sự đổ bộ của “cơn lũ” hàng Thái. Cơn lũ này đã và đang tràn vào Việt Nam với mức độ báo động đến nỗi vào thời điểm tháng 10 năm ngoái, Bộ Công thương đã tiến hành họp khẩn bàn biện pháp ứng phó khi nhập siêu hàng thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD và còn tiếp tục gia tăng.

Không chỉ có hàng Thái mà khá nhiều mặt hàng ngoại khác đang chiếm dần thị phần của hàng Việt ngay trên thị trường nội địa.

Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là hàng Việt Nam chưa thể xây dựng thương hiệu, khiến việc nhận diện trở nên khó khăn hơn đối với khách hàng trong nước và khách tiêu dùng tại các thị trường khác.

Tuy nhiên, không thể không đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt cũng như các nhà đầu tư ngoại trong quá trình đưa hàng Việt và thương hiệu Việt ngày càng trở nên đặc sắc, thu hút hơn đối với người tiêu dùng.

TheLEADER đã phỏng vấn với ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long về vấn đề này.

Xin ông cho biết thêm về những hoạt động hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt của Big C thời gian qua?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Thời gian qua, Big C đã hỗ trợ các sản phẩm Việt tiếp cận với thị trường thế giới, đặc biệt là mặt hàng nông sản và thực phẩm.

Chúng tôi rất phấn khởi khi xuất khẩu được sản phẩm vải Lục Ngạn sang thị trường Thái Lan cũng như phân phối vào hệ thống siêu thị của Central Group.

Tôi cho rằng đây là tiền đề rất tốt để có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản hơn đến thị trường Đông Nam Á cũng như tiến tới những thị trường xa hơn và khó tính hơn như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt hiện còn những hạn chế gì trong việc thúc đẩy xuất khẩu cũng như khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Sau một thời gian đồng hành cùng hàng Việt Nam, tôi nhận thấy hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được cũng như chưa quan tâm đến việc đăng kí bản quyền, đăng kí sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý để từ đó khẳng định được chủ quyền cũng như đặc sắc của sản phẩm.

Doanh nghiệp cũng chưa có sự quan tâm thích đáng cho bao bì, mẫu mã cũng như chưa xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến vấn đề này.

Một vấn đề đáng lưu ý là các doanh nghiệp Việt hiện chưa quan tâm đến công tác bảo quản sau thu hoạch trong khi các thị trường khắt khe như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản yêu cầu chất lượng sau thu hoạch rất cao.

Nguyên nhân là do các nhà sản xuất Việt Nam hiện chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, các hộ nông dân nên chưa có điều kiện cũng như chưa quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch.

Tôi kỳ vọng rằng các nhà sản xuất nên chú ý hơn tới các yếu điểm này để cải thiện thương hiệu cũng như nâng cao xuất khẩu.

Vậy dưới góc độ là một nhà thương mại, ông có đề xuất gì để hàng Việt có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Tôi nghĩ rằng ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp Việt thì cũng cần sự hỗ trợ từ các trung tâm khuyến nông, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu trong việc cung cấp thông tin về thị trường, tư vấn pháp lý cũng như hướng dẫn thiết kế mẫu mã bao bì cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phát triển công nghệ sau thu hoạch, giúp đỡ các trang trại và những người nông dân.

Theo tôi, hệ thống phân phối bán lẻ sẽ tiếp tục có sự bùng nổ trong năm 2018 và những năm tiếp theo và ngoài các nhà phân phối bán lẻ trong nước còn có sự tham gia tích cực từ các nhà quốc tế.

Do đó, các cơ quan cần tạo khung pháp lý, sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt cần có những quy hoạch về hệ thống phân phối bán lẻ cũng như dành quỹ đất, mặt bằng xứng đáng cho các nhà đầu tư.

Ông có lo ngại rằng tương lai hàng Việt Nam sẽ bị áp đảo trước làn sóng hàng ngoại hay không?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Theo tôi, mỗi một quốc gia, vùng miền, doanh nghiệp đều có những sản phẩm đặc thù, đặc sản và người tiêu dùng có quyền được tiếp cận những sản phẩm này.

Ví dụ như một vài năm trở lại đây, hàng Thái Lan nổi lên, dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hàng Thái Lan đã có sự thay thế và có sự chuyển dịch trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.

Tôi cho rằng đây là quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Mỗi một nhà đầu tư là một nhà kinh doanh và mọi quyết định về loại sản phẩm nào được phân phối đều phụ thuộc vào người tiêu dùng. Chính người Việt Nam mới là người quyết định mua hàng nước nào và tỷ trọng là bao nhiêu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam có rất nhiều đặc sản không chỉ người Việt ưa chuộng mà còn rất nhiều thị trường xuất khẩu khác quan tâm.

Tôi cho rằng đây là cơ hội và tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu được sản phẩm ra khu vực và thế giới. 

Xin cám ơn ông!