Phụ nữ quản trị doanh nghiệp: Dùng bàn tay sắt hay tình yêu thương?

Quỳnh Như - 09:00, 11/03/2018

TheLEADERTrong một doanh nghiệp, chỉ quản lý bằng kỷ luật hoặc yêu thương thôi sẽ không mang lại kết quả tốt nhất.

“Khi làm sếp, quản lý nhân viên của mình đơn giản vì chỉ cần mệnh lệnh là nhân viên phải nghe rồi. Nhưng nếu sếp còn có sự mềm mỏng yêu thương nữa thì nhân viên càng phục tùng, càng đi theo vô điều kiện”.

Đó là khẳng định của chị Trần Thị Thanh Hằng, CEO Viện đào tạo Doanh chủ, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 khi được hỏi "Chị nghĩ gì khi nhiều người cho rằng, quản trị bằng yêu thương sẽ không hiệu quả bằng kỷ luật, kỹ thuật, nhất là các công ty lớn?" tại buổi toạ đàm “Phụ nữ quản trị bằng yêu thương” do TheLEADER tổ chức mới đây.

Cũng như chị Hằng, hầu hết các nữ doanh nhân có mặt tại toạ đàm đều nhất trí rằng, không nên tách bạch hai phương thức quản trị này vì không ai quy định chỉ dùng cái này nhất định không được dùng cái kia. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, sự việc hoặc con người để quyết định dùng cái nào hoặc kết hợp chúng, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong quản trị doanh nghiệp.

"Chúng ta nên quản lý nhân viên với lòng kiên quyết trong sự mềm mại. Khi anh tuyển hoặc sa thải nhân viên phải bằng tình yêu thương. Tất cả mọi sự việc đều sẽ quay lại là mối quan hệ giữa con người với con người, nên cái gì xuất phát từ trái tim sẽ dẫn đến trái tim", chị Huỳnh Thị Xuân Liên - Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách Marketing của PepsiCo Vietnam, nhận định.

Phụ nữ quản trị doanh nghiệp: Dùng bàn tay sắt hay tình yêu thương?
Chị Huỳnh Thị Xuân Liên - Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách Marketing của PepsiCo Vietnam

Khi một nhân sự xin nghỉ, chị Liên sẽ gặp họ và đối thoại một cách chân tình với tư cách là một người chị hoặc cố vấn, để phân tích cho họ xem cái gì là tốt nhất cho bản thân họ. Có trường hợp, chị sẽ nói rằng: "Ừ, em ra đi là tốt nhất", nhưng cũng có trường hợp sẽ: "Em ở lại tốt hơn".

Tất nhiên, chị vẫn đặt quyền lợi của công ty vào những cuộc đối thoại như thế này. “Nhưng giữ con người dễ, giữ trái tim mới khó. Nếu chúng ta chỉ biết nghĩ cho công ty mà không biết nghĩ cho nhân sự, họ sẽ không bao giờ quay lại với chúng ta nữa”, chị Liên chia sẻ.

Với cách hành xử của mình, chị Liên tin rằng, nếu nhân sự thực sự yêu thương PepsiCo, họ sẽ quay lại trong nay mai và PepsiCo cũng luôn giang rộng vòng tay và mở lòng với những người 'trở về'.

Một trong những bí quyết quản trị mà chị Liên tâm đắc là hãy nỗ lực thêm một chút so với khả năng của bản thân trong tất cả hành động và mọi mối quan hệ. Không phải thể hiện 100% mà phải thêm 1%.

“Một chút đó chính là tình yêu thương, một chút đó sẽ làm nên tất cả, giúp ta thực hiện những điều lớn lao,” chị tâm sự.

"Nguyên tắc này bắt đầu từ câu chuyện 'Mẩu bánh mì thương yêu' của mẹ tôi. Hồi xưa, lúc ba tôi đi cải tạo, mẹ tôi một nách nuôi năm đứa con. Thấy lương giáo viên không đủ giúp mẹ tôi nuôi sống gia đình, cậu tôi đã mở cho mẹ một xe bánh mì.

Lúc đó, sáng nào cũng có một ông lão lớn tuổi đạp chiếc xe cà tàng ra mua đúng hai món: một ly cà phê và nửa ổ bánh mì không. Mẹ thấy mình đã khổ, ông lão còn khổ hơn, nên luôn bỏ ít thịt kèm bánh mì. Hai tháng sau, ba tôi được về nhà nhờ sự bảo lãnh của ông lão đó! Rõ ràng, cả gia đình đoàn tụ là nhờ tình yêu thương của mẹ đã tự động lan tỏa", chị Liên hồi tưởng.

Chị Hằng, CEO Viện đào tạo Doanh chủ hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị Liên: "Trong quản trị doanh nghiệp, mình phải xen kẽ giữa sự kiên quyết, quyết đoán với tình yêu thương, để làm sao khi nhân sự ra đi, sau này vẫn còn quay trở lại".

“Bây giờ, họ có thể không vừa lòng với doanh nghiệp của mình, vì doanh nghiệp của mình không mang tới cho họ những mục tiêu mà họ đề ra. Hoặc có thể là khác biệt về văn hóa, có người rất giỏi ở công ty này, nhưng ở công ty khác họ không có môi trường để phát triển bản thân. Biết đâu, trong tương lai sẽ khác.”

Phụ nữ quản trị doanh nghiệp: Dùng bàn tay sắt hay tình yêu thương? 1
Chị Trần Thị Thanh Hằng - CEO Viện đào tạo Doanh chủ

Theo chị Hằng, người chủ doanh nghiệp có thể quản trị bằng kỷ luật, qua áp dụng những quy định, luật lệ mà công ty đã ban hành; phần còn lại nên dùng thái độ mềm mỏng để giải quyết.

“Doanh nghiệp nào cũng tồn tại sự mâu thuẫn, đố kỵ, ganh ghét và tranh chấp giữa các nhân viên, lãnh đạo nên kết hợp hai cách quản lý kiên quyết và yêu thương khi xử lý vụ việc, để có thể dung hòa được nhiều thứ”, chị Hằng khẳng định.