Phú Quốc và thách thức của những kế hoạch tỷ đô

Thủy Minh - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERTrên con đường chinh phục, xây dựng thương hiệu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực và quốc tế, Phú Quốc vẫn còn đó rất nhiều thách thức.

“Thỏi nam châm” Phú Quốc đang ngày một nóng lên cùng những siêu dự án tỷ đô, đặc biệt là cuộc so găng quyết liệt của những đại gia danh tiếng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên con đường chinh phục, xây dựng thương hiệu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực và quốc tế, Phú Quốc vẫn còn đó rất nhiều thách thức.

Cuộc chơi của những siêu phẩm bất động sản

Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) từ lâu đã được mệnh danh là Đảo Ngọc của Việt Nam với diện tích tự nhiên là 600km2, gần bằng quốc đảo Singapore bao gồm với 27 đảo lớn nhỏ, 150km đường bờ biển dài, cát trắng mịn, hệ sinh thái biển phong phú, hệ sinh thái rừng đa dạng với hơn 35.000ha rừng và có gần 100 đồi núi. 

Theo quy hoạch, đến 2020 Phú Quốc sẽ phát triển khoảng 2.400ha đất đô thị, với quy mô dân số 300.000 người. Trong đó, có 3 đô thị lớn gồm Dương Đông, An Thới và Cửa Cạn cùng với đó là 15 khu nghỉ dưỡng sinh thái, định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế, có khả năng đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2020 với Bãi Trường là trung tâm du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng.

Trong gần 2 thập kỷ qua, Phú Quốc luôn được nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo dõi sát sao với hàng loạt đại kế hoạch đầu tư khủng lên tới nhiều tỷ USD. Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho thấy, ước đến hết quý III/2016, Phú Quốc có 244 dự án còn hiệu lực với tổng diện tích 10.361 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 314.215 tỷ đồng. 

Trong đó, 180 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với diện tích 7.073 ha, tổng vốn đầu tư 201.280 tỷ đồng, những dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hầu hết các dự án lớn đều tập trung vào lĩnh vực xây dựng các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng quy mô lớn phục vụ du khách trong nước và quốc tế. 

Tính tới hiện tại, có khoảng 30 dự án đã đi vào hoạt động, diện tích 1.876 ha, vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng; 22 dự án đang triển khai, diện tích 1.200 ha, vốn đầu tư 35.582 tỷ đồng, các dự án còn lại tiếp tục hoàn thiện triển khai thực hiện đầu tư. Trong đó, chỉ riêng Bãi Trường đã có tới 50 dự án đầu tư khu du lịch và khu dân cư với tổng diện tích trên 1.850ha.

Khách sạn Novotel Phú Quốc. Ảnh TL

Với 263 nhà đầu tư tham gia vào các dự án với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ USD, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Phú Quốc trở nên đặc biệt sôi động với hàng loạt kế hoạch đầu tư quy mô lớn của các đại gia bất động sản. Đặc biệt, Phú Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của các tập đoàn tư nhân Việt Nam danh tiếng như Vingroup, Sungroup, CEO Group, BIM Group,… cùng những cam kết đầu tư dài hạn và bài bản.

Vingroup là nhà đầu tư lớn tiên phong vào Phú Quốc với cam kết đầu tư lên tới 1 tỷ USD để đầu tư phát triển quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao với quy mô lên tới 300ha tại khu vực Bãi Dài phía Tây Bắc đảo. Đồng thời, cũng ở Phú Quốc, Vingroup còn đầu tư một số dự án lớn khác như Vườn thú Safari quy mô 500ha, Cảng du lịch quốc tế 1.664 tỷ đồng,… 

Hiện, Vingroup đã khai trương 2 giai đoạn của dự án với 1152 phòng khách sạn, 220 biệt thự 5 sao, sân Golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế cùng các các tiện ích đồng bộ như trung tâm hội nghị quốc tế, khu vui chơi giải trí hiện đại… 

Dự kiến giai đoạn 3 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016 đưa Vinpearl Phú Quốc Resort & Villas trở thành một quần thể nghỉ dưỡng giải trí đồng bộ, có khả năng đón tiếp, phục vụ trên 40.000 lượt khách/ngày.

Ở khu vực phía Nam đảo, Tập đoàn Sungroup đầu tư quần thể du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 1.000 phòng nghỉ cao cấp, tiêu chuẩn khách sạn 5 - 6 sao, cáp treo từ thị trấn An Thới ra xã đảo Hòn Thơm và quần thể vui chơi, giải trí biển, khu dịch vụ nghỉ dưỡng Hòn Thơm… với tổng mức đầu tư dự án này khoảng 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn dự kiến sẽ đưa vào vận hành đầu năm 2017 với các thương hiệu nghỉ dưỡng danh tiếng thế giới như J.W Mariott, Ritz-Carlton Resort & Spa, Premier Village Phú Quốc Resort,…

Khách sạn Marriott Phú Quốc. Ảnh TL

CEO Group hiện là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc sở hữu quỹ đất lên tới hơn 450ha với các siêu dự án Sonasea Villas & Resort, Sonasea Residences… đang được triển khai tại trung tâm Bãi Trường. 

Riêng dự án Sonasea Villas & Resort quy mô 130ha với gần 2km bờ biển, tổng mức đầu tư đã lên tới 4.500 tỷ đồng. Hiện CEO Group đã đưa vào khai thác khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort chuẩn 5 sao, các hạng mục biệt thự, nhà phố,… đang được gấp rút đầu tư hoàn thiện trong thời gian gần.

Một tên tuổi lớn nữa tại Phú Quốc cũng phải kể đến là BIM Group với khu phức hợp du lịch Phú Quốc Marina tổng diện tích lên tới 155 ha. Hạng mục đầu tiên được BIM Group triển khai là InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort với 339 phòng khách sạn, 115 căn hộ nghỉ dưỡng và 5 biệt thự hướng biển. Đồng thời, một số hạng mục khác như 142 căn nhà phố Phu Quoc Waterfront, Công viên nước 30ha với các trò chơi cảm giác mạnh, quảng trường biển, Sailing Club, Regent Phu Quoc… cũng đang được BIM Group gấp rút hoàn thiện.

Bên cạnh những siêu dự án của các đại gia địa ốc nói trên, tại Phú Quốc đặc biệt là khu vực Bãi Trường còn có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác đang được triển khai thần tốc, có thể kể đến như: Dự án Khách sạn Mường Thanh 300 phòng tại Sonasea Villas & Resort; Dự án “Làng Du Lịch Sinh Thái và Nghỉ Dưỡng Châu Âu” do Công ty CP Milton làm chủ đầu tư, tổng diện tích hơn 82 ha, với hơn 500m chiều dài mặt biển, bao gồm gần 4.000 phòng khách sạn lưu trú từ 3 - 5 sao, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí…tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó nổi bật là thương hiệu nghỉ dưỡng “Pullman Phú Quốc” được quản lý vận hành bởi Tập đoàn Accor – Tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới. Dự án The Coast Villas do Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Anh làm chủ đầu tư với quy mô 153 căn biệt thự và 25 căn shophouse; Dự án khách sạn Hoà Bình. Khu nghỉ dưỡng Movenpick Resort Phú Quốc với 250 phòng khách sạn, 100 căn hộ nghỉ dưỡng, 50 biệt thự cao cấp và các tiện ích nổi bật như khu bán lẻ theo chủ đề “Làng Thụy Sỹ”… là sự hợp tác giữa Công ty CP Ngôi sao Cửa Dương và Tập đoàn khách sạn Movenpick.

Với việc hàng loạt đại dự án đang thi công ngày đêm, ước tính chỉ trong vòng 2 năm tới, Phú Quốc sẽ đón hàng chục ngàn phòng khách sạn tiêu chuẩn 3 – 5 sao cùng các dịch vụ cao cấp như sân golf, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, vườn thú safari, cáp treo vượt biển... đưa Phú Quốc trở thành nơi có số lượng phòng khách sạn lớn nhất Việt Nam, có thể tiếp đón được 2-3 triệu lượt khách mỗi năm.

Thách thức trong “Cuộc chơi toàn cầu”

Ngay cả trong những năm khó khăn nhất của toàn ngành du lịch Việt Nam khi lượng khách giảm sâu, nhất là khách quốc tế, Phú Quốc vẫn lội ngược dòng với tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch lên tới 30%. 

Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, tính riêng 10 tháng đầu năm 2016, chỉ tính riêng huyện đảo Phú Quốc ước đón 2,24 triệu lượt khách (tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, khách quốc tế đến Phú Quốc đạt 207 nghìn lượt, tăng 42% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt trên 2.534 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ. 

Đặc biệt, Phú Quốc chỉ cách TP.HCM 1 giờ đồng hồ bay, cách các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và Châu Á 2 giờ bay, một thị trường lên tới gần 1 tỷ người đầy tiềm năng về du lịch, đầu tư. Do đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 chuyến bay đến và đi đảo Phú Quốc, lượng khách trung bình các chuyến đều gần như kín. 

Theo đánh giá của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam: Tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu biển nghỉ dưỡng của Việt Nam trong năm 2016 rất khả quan. Khách tới các điểm Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc tăng đột biến qua mỗi năm với khả năng chi trả du lịch tăng rất cao, đặc biệt là chi trả cho dịch vụ du lịch 4 và 5 sao. Do đó, công suất phòng tại phân khúc nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Phú Quốc lên tới trên 90%. Đó là lí do phân khúc nghỉ dưỡng sẽ có bước phát triển đột phá trong năm 2016.

Nhiều lý do hấp dẫn khiến Phú Quốc hút khách du lịch

Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nổi trội, như thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% so với mức chung 22%, hay miễn thị thực 30 ngày cho du khách nước ngoài. 

Đồng thời, Phú Quốc cũng là một trong những địa phương hiếm hoi được đầu tư hệ thống hạ tầng lớn, đồng bộ với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Giai đoạn 2015-2020, Phú Quốc tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo, nhất là hệ thống giao thông như: Đường trục chính Nam - Bắc đảo, hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng Vịnh Đầm, Mũi Đất Đỏ, triển khai giai đoạn 2 Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.

Phú Quốc đang trở thành điểm nóng đầu tư đặc biệt trong 2-3 năm qua với hàng tỷ USD chảy vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến đầu tư ở Phú Quốc, trong chiến lược dài hạn để đưa Phú Quốc trở nên đẳng cấp như Bali hay Phuket dù có nhiều tiềm năng hơn hẳn nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, việc chưa thu hút được các nhà đầu tư quốc tế tầm cỡ cũng chính là một trong những điểm hạn chế lớn của Phú Quốc trong chiến lược xây dựng thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm khu vực. Theo nhìn nhận của ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO Group, nếu muốn xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn tầm khu vực và quốc tế Phú Quốc không thể thiếu những nhà đầu tư nước ngoài lớn, những tập đoàn đa quốc gia danh tiếng. Việc họ đến Phú Quốc không chỉ ở những đồng USD họ mang sang đầu tư dự án, mà chính họ sẽ là cầu nối uy tín nhất để các nhà đầu tư khác đi theo, đặc biệt cũng chính danh tiếng của họ sẽ kéo theo lượng lớn du khách đến với Phú Quốc.

Khoảng 10 năm trước, đã từng có nhiều tỷ phú USD thế giới tìm đến Phú Quốc cùng với những tham vọng đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án nơi đây. Hai trong số những siêu dự án tỷ USD thời điểm đó phải kể đến: Rockingham (Mỹ) với dự án 1.000ha tổng mức đầu tư 1 tỷ USD; Dự án Asian Pearl có tổng mức đầu tư lên tới 2,6 tỷ USD của Trustee Suisee (Thụy Sỹ)… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, giấc mơ về những thiên đường nghỉ dưỡng tại Phú Quốc của những nhà đầu tư ngoại này nhiều năm dang dở không thực hiện được.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO Group

Hiện nay, với sự quyết tâm nhập cuộc của hàng loạt tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, CEO Group… Phú Quốc đã và đang từng ngày thay đổi diện mạo mới với những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp. Và cũng chính việc xuất hiện những nhà đầu tư lớn, hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã hấp dẫn được các thương hiệu quốc tế lớn tham gia. Hiện tại, hàng loạt thương hiệu quản lý khách sạn danh tiếng nhất thế giới như như InterContinental, The Ritz-Carlton, JW Marriott, Accor Hotel, Novotel, Movenpick, Regent hay Fusion Suites đều đã và sẽ có mặt tại Phú Quốc trong thời gian gần.

Theo ông Đoàn Quốc Huy, Chủ tịch Syrena Việt Nam (Thành viên của BIM Group), các thương hiệu quản lý khách sạn hàng đầu thế giới đều có những quy chuẩn khắt khe và các nguyên tắc riêng khi chọn lựa đối tác. Do đó, việc hợp tác được với hàng loạt những tên tuổi danh tiếng hàng đầu thế giới đã chứng minh được nỗ lực và tiềm lực của chúng tôi khi có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của nhiều thương hiệu lớn cùng một lúc. Đó không chỉ là uy tín chủ đầu tư, là tiềm lực tài chính, là tầm nhìn, là chiến lược mà là tất cả những thứ ấy cộng lại. Hiện tại dự án Phú Quốc Marina của BIM Group dự kiến sẽ là nơi hội tụ của nhiều thương hiệu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới như InterContinental, Regent, Fusion Suite.

Việc hình thành nên các sản phẩm nghỉ dưỡng đẳng cấp cao cùng với sự hiện diện của các thương hiệu uy tín thế giới chính là lý do khiến thỏi nam châm Phú Quốc luôn hừng hực nóng trong suốt 2 – 3 năm vừa qua.

Ở một góc nhìn khác, theo nhìn nhận của ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một số thách thức lớn nữa dành cho Phú Quốc chính là vấn đề quy hoạch, hạ tầng và nguồn nhân lực. Theo ông Quang, quy hoạch Phú Quốc đã có nhưng việc thực hiện nó ra sao, có đúng hay không, phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội của địa phương chính là vấn đề hết sức quan trọng. 

Thêm nữa, tốc độ đầu tư hạ tầng của Nhà nước mang tính chất dẫn dắt ở mức độ nào cho hợp lý cũng là thách thức. Nếu đầu tư hạ tầng không đồng bộ, hoàn thiện sẽ rất khó để thúc đầy phát triển du kịch nghỉ dưỡng ở đẳng cấp cao. Và đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực chính là một thách thức rất lớn đối với Phú Quốc hiện nay. Nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại cần nhiều và cần ngay để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đến từ các thương hiệu danh tiếng thế giới chắc chắn sẽ là bài toán không dễ đối với cả cơ quan quản lý nhà nước của Phú Quốc lẫn các chủ đầu tư.