"Quản lý đô thị cần có chiến lược, độ sâu trong văn hóa ứng xử"

Trần Đức Cảnh - 07:00, 29/09/2017

TheLEADERMột chính quyền phục vụ biết lắng nghe, quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của người dân, và mỗi người dân biết rõ và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng … Văn minh đô thị đến từ đó.

"Quản lý đô thị cần có chiến lược, độ sâu trong văn hóa ứng xử"
Ông Trần Đức Cảnh (bên phải). Ảnh NVCC

LTS: Việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, TP. HCM “tái xuất” dẹp vỉa hè với những phát ngôn gây sốc đang tạo sóng dư luận. Để có kết qủa bền vững trong việc tạo lập mỹ quan đô thị chắc chắn không chỉ dựa vào biện pháp hành chính. Nhận định của các nhà báo, nhà nghiên cứu, doanh nhân trong chuỗi bài khởi đăng trên TheLEADER sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Bài 4: Vỉa hè và văn minh đô thị

(Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts(Mỹ), Chủ tịch kiêm CEO Công ty Du lịch và khách sạn Việt Mỹ)

Xử lý các vấn đề tồn đọng tại thành phố hiện nay là hệ quả của một quá trình dài trong phát triển đô thị, gây không ít ý kiến trái chiều. Điển hình là cách giải quyết việc lấn chiếm vỉa hè, đậu xe trái phép … đề tài gần đây được báo chí đề cập nhiều.

Một quy hoạch đô thị tốt phải có sự tương tác hợp lý giữa phần cứng và mềm, mục tiêu là phục vụ cư dân, người làm việc và khách tham quan trong khu vực. Phần cứng là quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng; phần mềm là các tiện ích sinh hoạt và dịch vụ cộng đồng, văn hóa ứng xử là linh hồn của văn minh đô thị.

Phải nhìn nhận rằng quy hoạch, quản lý đô thị là một trong những mảng yếu nhất tại các thành phố lớn trong nước, chưa nói đến phải xử lý các vấn đề tiêu cực khác .. Do thiếu sự chủ động và quản lý quy hoạch phát triển đô thị một cách khoa học ở tầm vĩ mô trong nhiều thập niên, khiến việc quản lý đô thị mỗi ngày trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân chính là việc tăng dân số ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. HCM và Hà Nội, trong 3 thập niên qua. Kinh nghiệm của các nước trong thời kỳ đang phát triển đã lập lại tương tự. Lý do người dân vùng nông thôn, vùng xa muốn về về các thành phố vì mưu cầu công việc, kinh tế, giáo dục, y tế và các sinh hoạt tiện ích khác. Các báo cáo của các tổ chức quốc tế như UNDP, WorlBank cũng đã cảnh báo từ những thập niên trước.

Khu buôn bán vỉa hè được quy hoạch trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Ảnh Giản Phúc

Các nước phát triển họ quản lý các đô thị lớn rất chặt, rất tinh vi, đỗ xe không đúng chỗ, xả rác, tiểu bậy, hay vi phạm trật tự công cộng thì sẽ bị xử lý ngay. Luật trật tự giao thông, công cộng được áp dụng một cách nghiêm túc, tránh tối đa tính tự phát, tranh cãi không cần thiết. 

Một nhân viên trật tự bình thường đã làm hiệu quả việc này rồi, không cần sự có mặt hay chỉ đạo của viên chức cao. Nếu người bị phạt không phản đối thì tự gửi tiền nộp phạt theo thời gian ấn định, nếu không thì khiếu nại lên tòa, chuyên xử lý về các vấn đề trật tự công cộng. 

Riêng về việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, đậu xe, .. ở các ở các quận trung tâm thành phố gần đây.. Bản thân tôi cũng rất khổ sở mỗi khi phải đi bộ qua các đường trung tâm như thế, mọi thứ gần như xuất hiện trên lề đường, phải đi xuống đường xe để tránh.

Tôi cũng rất hiểu sự khó khăn trong quản lý đô thị của chính quyền thành phố, nhưng cách làm của chính quyền địa phương gây ít nhiều tranh cãi trong dư luận, không phải là cách giải quyết quản lý đô thị lâu dài và bền vững. Nhiều vấn đề phải được đặt ra trong quản lý đô thị khu vực, như nơi đậu xe công cộng với khoảng cách tương đối, khu vực buôn bán cho người dân nghèo, nhà vệ sinh công cộng … 

Nếu không có giải pháp hợp lý từ chính quyền, thì các giải pháp hiện nay chỉ mang tính phong trào, giai đoạn và không giải quyết được cái gốc của vấn đề trong quản lý đô thị.

Đà Nẵng từng mệnh danh là thành phố đáng sống so với các đô thị lớn trong nước, tôi thấy có phần đúng về mặt tiềm năng. Phần lớn là do quy hoạch đô thị, cấu trúc hạ tầng và cách xử lý các vấn đề dân sinh ổn hơn các địa phương khác. 

Tuy Hội An là thành phố nhỏ, theo tôi nơi đó văn minh đô thị nên được tuyên dương vào hàng bậc nhất trong nước, phần lớn là do văn hóa truyền thống lâu đời của người Hội An, và chính quyền địa phương có ý thức giữ gìn, tôn tạo văn hóa đó rất nhiều năm.

Bản thân thành phố là một cộng đồng lớn, trong đó các tế bào nhỏ hơn mang tên, huyện, phường khóm, tổ dân phố. Văn minh đô thị đến từ những tế bào nhỏ nơi cộng đồng dân cư sinh sống, sinh hoạt kinh tế, xã hội, xây dựng và kết nối hạ tầng cứng và mềm hợp lý. 

Một chính quyền phục vụ biết lắng nghe, quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của người dân, và mỗi người dân biết rõ và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng … Văn minh đô thị đến từ đó.

Quy hoạch và quản lý đô thị cần có chiến lược, chiều dài trong xây dựng và độ sâu trong văn hóa ứng xử. Giải pháp mang tính áp đặt, xử lý tình thế hay mang tính phong trào trong quản lý đô thị chỉ làm cho các vấn đề thêm phức tạp.

Hàng rong và việc chiếm đoạt lòng lề đường

(Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành)

Từ lâu chúng ta đã quá yếu kém trong quản lý trật tự đô thị, cho phép xây quá nhiều cao ốc chung cư tại các quận trung tâm, để cho lấn chiếm đường bộ, đường sông, rạch, phi trường, bãi biển, núi đồi… Bây giờ toàn bộ đường lớn nhỏ, hẻm nào cũng bị lấn chiếm kể cả lập chợ, gây tắc nghẽn giao thông, gây mất an toàn, an ninh cho mọi người đi xe, đi bộ. Cần thiết phải lập lại trật tự đô thị, thu hồi lại những khu vực công cộng bị lấn chiếm.

Vấn đề thu hồi thế nào, quy hoạch khu vực nào có thể bán, vạch đường ranh giới hạn khu vực kinh doanh là cần thiết. Sau đó hành động dứt khoát từng khu vực và giao cho phường tiếp tục quản lý. Việc ông Hải nên có thảo luận, góp ý cùng nhân dân, để đúc kết kinh nghiệm, đưa ra phương hướng giải quyết và triển khai đồng loạt các quận… chứ không nên làm theo kiểu tự phát, phong trào như hiện nay