Quan ngại 'cò đất' trục lợi từ phân lô tách thửa đất tại TP. HCM

Quỳnh Chi - 09:05, 18/01/2018

TheLEADERHiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết đã hơn nửa tháng kể từ ngày Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có văn bản của các sở, ngành hướng dẫn để quận, huyện có căn cứ triển khai, thực hiện.

Quyết định 60 của UBND TP. HCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú, có diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 36m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3m). 

Khu vực 2 gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện có diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 50m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m). 

Khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ có diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 80m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m).

Quan ngại 'cò đất' trục lợi từ phân lô tách thửa đất tại TP. HCM
Tình trạng phân lô, bán nền đang diễn ra phổ biến ở TP. HCM. Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng quyết định này sẽ gây khó khăn lớn cho những người nghèo, người có thu nhập thấp vì những căn nhà “siêu nhỏ” giá rẻ đáp ứng được lượng lớn nhu cầu của người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Tuy nhiên, chính những căn nhà “siêu nhỏ” này lại đang làm nham nhở bộ mặt đô thị.

Cũng theo HoREA, cho đến nay dù đã hơn nửa tháng kể từ ngày Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản của các sở, ngành hướng dẫn để quận, huyện có căn cứ triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng chưa xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất để Sở Tài nguyên và môi trường tổng hợp nhằm thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố, trong lúc tình hình phân lô, tách thửa tại một số quận ven và huyện ngoại thành đang diễn biến khá phức tạp, nhất là tại quận 9.

HoREA bày tỏ quan ngại về việc các “đầu nậu” lợi dụng để tách thửa các thửa đất lớn hơn 2.000m2 cũng như việc một số quận, huyện có thể dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây.

Tại một số khu vực ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè, hiện công nhân và người có thu nhập thấp đã mua từ một số nhà đầu tư hoặc người dân có đất rộng những căn nhà có diện tích từ 20 - 50m2/căn, với giá 300 - 500 triệu đồng/căn.

Trong văn bản mới nhất gửi UBND TP.HCM, HoREA đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chế giải quyết tách thửa đất để triển khai, tổ chức thực hiện theo Điều 7 Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND.

Đồng thời đề nghị xây dựng tiêu chí chặt chẽ để quản lý, kiểm soát các trường hợp tách các thửa đất lớn có hình thành đường giao thông nội bộ, nhất là các thửa đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên; các trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, để hạn chế việc “đầu nậu” lợi dụng để phân lô tách thửa đất nông nghiệp tràn lan.

Bên cạnh đó, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần phối hợp với lực lượng Thanh tra xây dựng Sở Xây dựng, cán bộ địa chính cơ sở để quản lý hoạt động tách thửa, phân lô trên địa bàn.