Quản trị để quốc tế hóa công ty gia đình nhìn từ gốm sứ Minh Long và nệm Liên Á

Kim Yến - 08:05, 19/04/2018

TheLEADERÁp dụng phong cách quản trị hiện đại và khoa học, dựa trên triết lý nhân sinh đậm chất phương Đông, Lý Huy Sáng đang âm thầm nâng cao nội lực cả về nhân sự, kỹ thuật để chuẩn bị cho một sức bật mới, đưa gốm sứ Minh Long thoát khỏi tầm vóc một công ty gia đình để trở thành công ty đa quốc gia, hội nhập một cách mạnh mẽ và chủ động.

Quản trị để quốc tế hóa công ty gia đình nhìn từ gốm sứ Minh Long và nệm Liên Á
Gần 30 sản phẩm của Minh Long được sử dụng trong tiệc chiêu đãi tối 10/11/2017 chào mừng APEC 2017. Toàn bộ được chế tác riêng, thiết kế theo phong cách hoàng gia để phục vụ APEC 2017.

Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí marketing, nhưng Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I - lại chủ trương đẩy mạnh đầu tư, marketing. 

“Tôi nghĩ việc kinh doanh giống như chạy marathon, ai cũng có giới hạn về sức lực và thời gian, bằng cách tiên liệu của mình phải biết phân bổ sức lực và thời gian để đến được đích, nếu để mất sức giữa chừng thì không thể cạnh tranh với đối thủ. 

Biết khi nào cần, khi nào không sử dụng tùy vào thời điểm công ty, trong khó khăn luôn có cơ hội, Minh Long không xuất hiện với tần suất nhiều trên báo đài mà hướng đến việc làm sao cho người tiêu dùng hiểu mình, nên chọn phương thức dùng các sự kiện và cho khách hàng trải nghiệm để cảm nhận trực tiếp là tốt nhất. Để khách hàng cảm nhận, yêu mến sản phẩm và tự họ sẽ là người quảng bá không mất tiền cho thương hiệu. 

Gắn hình ảnh thương hiệu với vẻ đẹp ẩm thực Việt Nam qua chương trình Chiếc thìa vàng, một cách tiếp thị không ồ ạt, thực tế hơn. Minh Long còn đang dự định đầu tư cho dự án Con đường gia vị Việt Nam. Đi sâu vào yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt này, để cung cấp kiến thức, hệ thống hóa chuẩn nhất cho gia vị Việt Nam là cuộc nghiên cứu dài hơi”, Lý Huy sáng cho biết.

Để đào tạo chuyên sâu cho lớp lãnh đạo trẻ, Minh Long còn mời GS. Dương Nguyên Vũ về giảng dạy về phương pháp lãnh đạo theo bản thể học và hình thể học.

Anh Sáng cho biết: “Đây không phải là một khóa học hàn lâm, mà là những kỹ năng sống. Tôi cho hai đứa em trai đi học ngay, muốn các em thay đổi hết sự hình dung của mội người về lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo công ty mà lãnh đạo chính mình, sau đó cho hết lãnh đạo trong công ty đi học. 

Bản thân mình phải thay đổi mới giúp cho nhân viên thay đổi, trước giờ mình nói hoài liêm chính, chính trực, nhưng hiểu nó thì rất mù mờ, bởi lời hứa đâu phải lúc nào cũng giữ được.

Lớp học cho mình tư duy và giải pháp để không phải hổ thẹn với lương tâm của mình, điều đó rất cần cả trong cuộc sống gia đình, với người xung quanh, sống được với chính mình nhiều hơn, cho mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn, vì trong cuộc sống không phải lúc nào cũng giữ được cam kết.

Lời hứa giống như một hợp đồng, nếu không giữ lời phải có sự bù đắp, đưa ra những đền bù thỏa đáng. Những động tác nhỏ nhặt thay đổi hành động của mình rất nhiều, tạo cách làm việc tốt hơn với đối phương".

Bí quyết quản trị để quốc tế hóa một công ty gia đình nhìn từ gốm sứ Minh Long và nệm Liên Á 1
Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Gốm sứ Minh Long

Soi lại nghệ thuật lãnh đạo của mình, Lý Huy Sáng chia sẻ: “Cá tính tôi trước giờ rất thẳng thắn, bộc trực, việc gì cũng đem ra nói ngay để làm rõ mình muốn gì, có lẽ vì thế nhiều người cho tôi là nóng tính. Trải qua khóa học, tôi hiểu đó là do mình chưa giải thích rõ cho người khác hiểu. 

Nếu lỗi do mình thì đâu có gì phải nổi nóng với người khác, mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn trong cách ứng xử với mọi người và với chính mình. Thông thường gia đình mỗi khi thảo luận vấn đề gì, bất cứ tranh luận nào cũng phải hướng đến hiệu quả, như vậy rất dễ làm. 

Quyền lực lớn nhất chính là sự hiệu quả của công ty, người nào đưa được giải pháp hiệu quả nhất sẽ được trọng dụng, đó là cách làm tốt, không phải quản trị theo kiểu phong kiến, người lớn nói người nhỏ phải nghe. Hiệu quả là cốt lõi, là linh hồn của sự sống, nếu không hiệu quả thì miễn bàn. 

Tôi luôn quan tâm đến việc cải tiến làm sao cho hiệu quả cao nhất, không quan tâm đến nghi lễ, nguyên tắc, bài bác những thủ tục rườm rà. Việc đưa công nghệ thông tin vào quản trị cũng giúp cho mọi thông tin được cập nhật tức thời, công việc xuyên suốt toàn hệ thống, kể cả tổ trường, nhân viên đều nâng cao năng suất, tránh nhiều sai sót, giải quyết được hiệu quả và độ chính xác cao hơn nhiều".

Ở một góc nhìn khác, đề cao ảnh hưởng của văn hóa gia đình giúp mình xây dựng một bản lĩnh sống, bản lĩnh kinh doanh, anh Lâm Ngọc Minh - CEO Công ty Liên Á, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM - chia sẻ: “Ngày xưa trong gia đình tôi, ba thế hệ sống chung một mái nhà. Bà nội là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, đi đâu cũng dắt tôi theo đó. Bà giáo dục các cháu theo kiểu nho giáo, hay dẫn tôi đi chùa, nói nhiều về chuyện tích đức, sống sao dừng phung phí, sống cho gia đình. 

Bà sống rất chừng mực, tiết kiệm, những thứ bỏ đi rồi bà vẫn giữ. Mỗi lần uống nước dừa, bà đều giữ lại vỏ dừa và gáo dừa để làm củi đốt và đựng đồ vật. Dù lớn tuổi nhưng bà rất siêng năng, không chịu nghỉ ngơi bao giờ. Chính bà đã giúp tôi trở thành con người siêng năng, luôn đặt tính hiệu quả lên hàng đầu, sử dụng đồng tiền rất kỹ càng. Chấp nhận đầu tư không hiệu quả liền, nhưng phải có kế hoạch từng bước rõ ràng.

Lúc còn nhỏ bà hay nói làm gì thì làm phải đàng hoàng, nếu không sẽ bị quả báo. Những câu tục ngữ ca dao bà dạy mình hàng ngày đã thấm vào tôi lúc nào không biết, cho mình cách đối nhân xử thế. Lúc tôi vừa tốt nghiệp đại học, dẫn bạn gái về nhà chơi, dù đang bị bệnh ung thư rất nặng bà cũng ráng ngồi dậy để nhìn kỹ bạn gái xem là người thế nào? Người Hoa rất quan tâm đến chuyện con dâu. 

Nếu thành viên mới tham gia đại gia đình không cùng cách sống, chí hướng sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, đó là một tiêu chí được hướng dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác của một gia đình kinh doanh”.

Là dòng họ ba đời làm nệm cao su từ trước giải phóng, theo anh Lâm Ngọc Minh, chuyển giao thế hệ muốn thành công phải có một quá trình. 

“Văn hóa gia đình tôi tôn trọng nhất là giữ uy tín, làm việc siêng năng. Từ nhỏ 5 anh em đều phải làm việc cật lực hết. Thứ hai là chịu khó học hỏi. Tôi là người rất giỏi chịu đựng, có những sự kiện rất nan giải tôi không phản kháng liền, chờ tới lúc chín muồi mới bung thôi. 

Tôi tham gia công ty Liên Á ngay từ nhỏ, mọi thứ từ từ thấm vào máu mình. Pha hóa chất sản xuất nệm là bí quyết nghề chỉ được truyền cho những người trong gia đình, khi ra trường về mới nhúng tay vô nghiên cứu thử nghiệm để cải tiến sản phẩm. Không thể tốt nghiệp đại học về là quản lý được liền, mà phải tham gia cả một quá trình để hiểu về ngành nghề mình.

Thế hệ kế thừa tôi cũng phải cả một quá trình dể huấn luyện, đào tạo. Khi cha lựa chọn tôi là người kế nghiệp, trước đó trong vai trò Phó tổng giám đốc, tôi có may mắn là người đầu tiên tham gia vào công ty để phát triển lên, chứng minh được kết quả phát triển công ty”.

Bí quyết quản trị để quốc tế hóa một công ty gia đình nhìn từ gốm sứ Minh Long và nệm Liên Á 2
CEO Lâm Ngọc Minh

Trong nghệ thuật lãnh đạo, khó nhất là truyền lửa, để mọi thành viên trong công ty đều nhìn về cùng một hướng, tạo nên sức mạnh lớn hơn cho tổ chức. Bí quyết của Lâm Ngọc Minh là “suốt ngày tôi chỉ nghĩ về nệm, làm sao bán được tốt hơn, khách hàng được phục vụ tốt hơn, sản phẩm đẹp hơn… Thời gian mình giành cho nó nhiều nhất thì ra ý tưởng thôi, ý tưởng quá nhiều chỉ sợ không có thời gian triển khai. 

Để truyền cho đội ngũ cấp cao niềm đam mê đó cũng là cả quá trình làm việc với nhau, cho họ hiểu công việc đóng góp thế nào cho xã hội, cho công ty. Có nhiều nhân viên hiểu ý mình để cùng làm là khó nhất, may mắn cũng nhiều người bắt kịp. Quan điểm của tôi là luôn tưởng thưởng xứng đáng với những ai có công lao với công ty, đó là công bằng. 

Cuối năm nay phần thưởng cao nhất không phải siêu xe nhưng cũng giá trị tương đương. Tôi không tiết kiệm khi tưởng thưởng những người đóng góp cho mình. Cả anh em trong nước và nước ngoài đều phải chia sẻ tầm nhìn, tham vọng, để họ cùng bước với Liên Á. Được giao quyền một cách rõ ràng, giao mục tiêu để anh em tự chủ, công việc trôi chảy. 

Trong quá trình làm không suôn sẻ, luôn có vấn đề phát sinh, vai trò của mình là chỉ dẫn, không phán quyết, đặt câu hỏi để mọi người hiểu vấn đề, chia sẻ với anh em, chấp nhận thất bại, nhưng không thất bại lần thứ hai. Muốn sáng tạo không thể thành công ngay, phải trả giá. Mình trả giá hơi bị nhiều rồi nên chấp nhận cho mọi người làm thử, nhưng phải kiểm soát rủi ro trong tầm ngắm của mình…

Khó nhất là tìm được người phù hợp, cùng chí hướng, cùng giá trị với mình. Tôi đã từng thất bại trong chuyện tìm người, chuyện đầu tư. Thời trẻ mình đầu tư quá nhiều tiền cho công nghệ máy ép nhựa để dây chuyền sản xuất hiệu quả, nhưng khi chính sách thay đổi dẫn đến khấu hao không kịp, khiến cho mình phải bỏ, lỗ khá nhiều. 

Đầu tư vô tài sản cố định lớn quá sẽ bị kẹt. Đưa ra sản phẩm mới giống như đẻ đứa con, nếu không đầu tư tiếp để dưỡng dục thì đứa con đó sẽ chết yểu. Cũng may chưa có thất bại lớn nếu không đâu còn tồn tại đến hôm nay. 

Để đạt mô hình như tôi kỳ vọng phải tốn hai, ba năm nữa, tuy nhiên đang có đà tốt để phát triển lâu dài. Muốn phát triển lâu dài phải có cả một bộ máy cùng suy nghĩ với mình. Những người sáng giá sẽ tập trung để phát triển họ lên”.

(*) Bài tiếp cùng chuyên đề: Những bài học đắt giá để kế nghiệp thành công của thế hệ F1