Quy hoạch Đà Lạt: Để không phải hối tiếc...

Nhà thiết kế nội thất Đinh Ngọc Tâm - 10:53, 23/03/2019

TheLEADERHiện đại theo chiều hướng nào? Bản sắc nào còn được giữ lại? Rồi đây người ta sẽ tìm đến Đà Lạt vì điều gì? Làm sao để phát triển vừa hiện đại vừa bản sắc, cơ chế nào được thông qua, quy định nào được phê duyệt, thật khó để tìm một câu trả lời thỏa đáng.

Phù vân (Ukigumo) là một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất của Hayashi Fumiko, nữ nhà văn cận đại hàng đầu Nhật Bản, dù tên tuổi của bà không được biết nhiều ở Việt Nam.

Tiểu thuyết kể về Tomioka Ken-ichi, một kĩ sư lâm nghiệp và cô gái trẻ Koda Yukiko. Họ gặp và phải lòng nhau ở Đà Lạt khi quân đội Nhật đang chiếm đóng Đông Dương. Khung cảnh thơ mộng với những đồi thông, những hồ nước, những ngôi biệt thự mà người Pháp bỏ lại ru họ vào một mối tình, dù Tomioka đã có vợ ở Nhật.

Bỗng Nhật bại trận, họ trở về quê nhà giờ đây đang chìm trong cảnh hoang tàn xơ xác thời hậu chiến nơi trời xám gió lạnh, không chăn êm nệm ấm, bữa ăn lúc thiếu lúc no.

Trong khi Tomioka vừa vật lộn mưu sinh vừa vướng vào những mối tình trăng hoa thì Yukiko không dứt mình nổi khỏi mối tình si và những hoài niệm quá khứ.

Nằm hấp hối trên giường vì bệnh lao, Yukiko nhận ra “Những gì mà nàng ngỡ là tiếng muôn cây rì rào trong gió nhẹ của vườn địa đàng Đà Lạt, thực ra chỉ là tiếng của những hạt mưa bị gió tạt, rơi rạt rào trên liếp cửa ngoài kia. Nàng thấy như vụt rơi tòm xuống vực…”

Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Mikio Naruse năm 1955. Phù vân làm tôi xúc động rất nhiều, không chỉ bởi câu chuyện và các nhân vật mà còn bởi hình bóng Đà Lạt. Một Đà Lạt nào đó từng tồn tại mà tôi và thế hệ của mình không hề được trải nghiệm, dù tôi sinh ra và lớn lên ở đây.

Quy hoạch Đà Lạt: Để không phải hối tiếc...
Một Đà Lạt nguyên sơ vẫn ở đâu đó.

Những thế hệ tiếp theo cũng đang lớn lên trong một khung cảnh Đà Lạt khác, còn Đà Lạt mà tôi biết dần lùi về quá khứ. Màu xanh thiên nhiên của Đà Lạt đang thu hẹp với tốc độ kinh hoàng để nhường chỗ cho nhà cửa chen chúc. Sự thay đổi đó dường như là tất yếu nhưng cũng đáng buồn vô cùng.

Những năm 2000, nhiều người quen của gia đình tôi ở Đà Lạt chuyển đến TP. Hồ Chí Minh vì thành phố lớn có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn, điều kiện học hành thuận lợi cho con cái.

Gia đình tôi ở lại vì đã quen với nhịp sống chậm rãi yên ả của Đà Lạt. Tôi trưởng thành qua nhiều mùa hoa dã quỳ. Buổi sáng tôi đi bộ hoặc đạp xe đến trường xuyên qua những lớp sương dày lạnh giá. Đà Lạt lúc đó chỉ có rạp Hòa Bình chiếu phim nội địa, cũng không nhiều khu vui chơi cho người trẻ. Mùa hè tôi thường đi thả diều, lội suối, đến vẽ ở những biệt thự bỏ hoang hay lên đồi đốt lửa ngắm sao và đàn hát nhạc của Scorpions.

Những ngày tháng kỉ niệm đó quan trọng đến mức tôi tin rằng nếu trưởng thành ở một nơi khác, tôi sẽ trở thành ai đó chứ không phải phiên bản hiện nay của chính mình.

Người bạn thân Thái Lan của tôi vài năm trước nhất quyết đến Đà Lạt vào một dịp đầu hè dù tôi ra sức can ngăn rằng Đà Lạt mùa này mưa rất nhiều và rất buồn bã. Tôi sợ mình đã quảng cáo quá lời và bạn sẽ thất vọng vì Đà Lạt không như tưởng tượng. Nhưng trái lại, bạn rất thích những cơn mưa trầm lạnh và cả màn sương mờ sau mưa.

Nhiều người gọi Đà Lạt là Paris nhỏ, tôi hỏi người bạn Thái Lan có nghĩ vậy không? Bạn nói là Đà Lạt không giống Paris, có lẽ giống Marseille hay Nice hơn, nơi nhà cửa trập trùng với trời mây nước mênh mông. Tôi thì thấy Đà Lạt giống Siena của Ý, với những đồi dốc quanh co và những thung lũng xanh mờ, hoàn toàn vắng bóng những cao ốc lạnh lùng hiện đại.

Một trong những lý thuyết cơ bản nằm lòng của dân học kiến trúc là ở Đà Lạt công trình dù thuộc loại hình nào cũng không được cao hơn những ngọn thông. Lý thuyết đó giờ đây đang bị thách thức bởi nhu cầu nhà ở, nhu cầu sinh hoạt giải trí ngày càng cao và cả sự hấp dẫn của những khoản lợi nhuận khổng lồ.


Trong kí ức của tôi, cùng với sự lãng mạn đã thành thương hiệu, Đà Lạt cũng là một thành phố ưu sầu có phần trì trệ. Dù biết việc cải thiện quy hoạch thành phố là cần thiết nhưng với tất cả những hoài niệm này, tôi cảm thấy vừa phẫn nộ vừa ưu uất trước những đổi thay quá chóng vánh. Rồi tôi cũng phải hỏi chính mình, sự phẫn nộ đó có quá cảm tính không?

Mùa hè rồi trở về Đà Lạt tôi đi ăn pizza với em trai ở dốc Duy Tân. Quán pizza bài trí xinh xắn, rất nhiều thực khách nước ngoài. Trong số nhóm nhân viên phục vụ trẻ hơi rụt rè có một bạn khác hẳn, nói tiếng Anh tự tin lưu loát, phong cách rất nhanh nhẹn. Bạn nhân viên có sự năng động mà tôi không có được ở tuổi đó.

Nhớ lại lúc tốt nghiệp cấp ba, tôi rất khó khăn để tìm việc làm thêm mùa hè trong một thành phố ít năng động như Đà Lạt thời điểm đó. Kể cả khi đã tốt nghiệp đại học, Đà Lạt không phải là nơi nhiều cơ hội. Các đơn vị nhà nước có biên chế ít ỏi, không nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng cao.

Nhưng những năm gần đây, nhiều bạn bè tôi đã trở về, thậm chí từ nơi khác đến Đà Lạt kinh doanh dịch vụ lữ hành, mở các quán cà-phê và hostel rất đẹp. Đà Lạt trông phấn chấn sôi động hơn hẳn trước đây, cùng với khách du lịch và dòng tiền đổ về. Cả nước thay đổi, Đà Lạt không thể đứng ngoài lề. Quá tải khách du lịch cũng không phải vấn đề riêng của Đà Lạt, đó là vấn đề chung của nhiều thành phố du lịch nổi tiếng đang phải đối mặt với nguy cơ mất hết bản sắc tự thân.

Một trong những lý thuyết cơ bản nằm lòng của dân học kiến trúc là ở Đà Lạt công trình dù thuộc loại hình nào cũng không được cao hơn những ngọn thông. Lý thuyết đó giờ đây đang bị thách thức bởi nhu cầu nhà ở, nhu cầu sinh hoạt giải trí ngày càng cao và cả sự hấp dẫn của những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tôi tìm đọc thông tin trên báo chí về các hội thảo, các diễn đàn tranh luận, các bài phỏng vấn từ giới chuyên môn, nhà quản lý đến người dân, thông tin chung đưa ra là tất cả đều hướng đến phát triển một Đà Lạt vừa hiện đại vừa có bản sắc.

Nhưng hiện đại theo chiều hướng nào? Bản sắc nào còn được giữ lại? Rồi đây người ta sẽ tìm đến Đà Lạt vì điều gì? Làm sao để phát triển vừa hiện đại vừa bản sắc, cơ chế nào được thông qua, quy định nào được phê duyệt, thật khó để tìm một câu trả lời thỏa đáng.

Thực tế, đã có nhiều thành phố di sản vẫn được hiện đại hóa mà Đà Lạt có thể tham khảo. Tôi từng sống ở Florence vùng Tuscany thuộc Ý. Thành phố có diện tích khoảng một phần ba và dân số xấp xỉ Đà Lạt. Trong khi khu trung tâm cổ kính có những con đường đá nhỏ hẹp và những tòa nhà cùng một độ cao vừa phải luôn được giữ nguyên trạng thì vùng ngoại ô có khung cảnh khác hẳn. Các trường đại học, khu dân cư, kí túc xá tập trung ở vùng ngoại ô có kiến trúc hiện đại và đa dạng.

Trong khi trung tâm Đà Lạt đang quá tải, di tích lịch sử bị xâm lấn, nhiều vùng ngoại ô phụ cận chưa được khai thác đúng tiềm năng. Chúng ta không nên quên rằng kiến trúc bền vững đòi hỏi bền vững cảnh quan, bền vững thẩm mỹ, bền vững văn hóa và một sự thận trọng vô cùng bởi những gì mất đi sẽ không thể tìm lại được.

Để không phải hối tiếc về những giá trị mất đi vĩnh viễn, sự phát triển của Đà Lạt cần được lên kế hoạch cẩn thận chứ không phải tự phát như mây trôi bất định. 

Trong khi các kiến trúc sư và quy hoạch gia có chuyên môn uy tín đang tích cực lên tiếng, những ai yêu Đà Lạt cũng nên góp lời, dù chỉ là những lời cảm thán, để trước khi một giải pháp toàn diện thuyết phục được đưa ra, bước đi nào cũng được cân nhắc thận trọng. 

Sự thận trọng xem ra quá xa xỉ, trong thời đại hối hả này.