Quy hoạch Gia Lai thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia

Quỳnh Chi - 15:57, 03/02/2018

TheLEADERThủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Gia Lai thành vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia
Một góc Gia Lai.

Theo đó, xây dựng và phát triển vùng tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đây sẽ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp-lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên;

Là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, vùng đệm an toàn cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và vùng Tây Nguyên; là trung tâm lễ hội văn hóa của khu vực Bắc Tây Nguyên, lưu giữ các giá trị văn hóa đặc trưng và đồng thời là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Quốc gia.

Sự phát triển này cũng sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành du lịch tại đây. Cụ thể, đến năm 2025 dự báo có khoảng 750.000 lượt khách; con số này sẽ tăng lên 3 triệu lượt khách sau mười năm. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của khách du lịch bình quân 15 - 18%/năm.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ranh giới lập quy hoạch vùng tỉnh Gia Lai bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 15.510,99km2, bao gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện; phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, phía Tây giáp Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk và phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần cụ thể hóa các mục tiêu quy hoạch của Quốc gia, vùng Tây Nguyên, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh Gia Lai;

Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với mục tiêu ổn định đất đai – dân tộc - tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung;

Tổ chức phân vùng chức năng hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí và tài nguyên thiên nhiên, tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh;

Xác định không gian hạ tầng các khu chức năng đặc thù; bổ sung phát triển hợp lý mô hình hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên toàn tỉnh, trong đó tập trung phát triển đô thị tại thành phố Pleiku và thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê, tạo sự liên kết chặt chẽ thúc đẩy phát triển ổn định lâu dài. Dự báo đến năm 2025, tốc độ dô thị hóa tại tỉnh Gia Lai khoảng 35% và tăng lên 45% vào năm 2035.

Đồng thời, cần định hướng cho việc lập các quy hoạch chuyên ngành, các khu chức năng trên phạm vi toàn tỉnh. Xác định những dự án, chương trình ưu tiên đầu tư tạo động lực phát triển vùng; xác định khoanh vùng các khu vực cấm xây dựng, các vùng bảo tồn.