Rắc rối về sở hữu trí tuệ nhìn từ câu chuyện của cà phê Napoli, đầu karaoke Arirang

Quỳnh Như - 08:45, 08/05/2018

TheLEADERĐăng ký sở hữu trí tuệ là chuyện đặc biệt quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải làm khi CPTPP có hiệu lực, tuy nhiên đây không phải là một công việc dễ dàng trong bối cảnh năng lực doanh nghiệp Việt hiện tại.

Rắc rối về sở hữu trí tuệ nhìn từ câu chuyện của cà phê Napoli, đầu karaoke Arirang
Bà Hoàng Tố Như, Phó phòng sở hữu trí tuệ Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM

Câu chuyện sở hữu trí tuệ như một hành trang để đón đầu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là chủ đề được nhiều sự quan tâm trong chương trình Cafe doanh nhân lần thứ 32 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM vừa tổ chức cuối tuần qua.

Theo bà Hoàng Tố Như, Phó phòng sở hữu trí tuệ Sở Khoa học và công nghệ TP. HCM, vấn đề sở hữu trí tuệ được siết chặt trong CPTPP không hẳn là hoàn toàn xấu đối với các doanh nghiệp Việt.

CPTPP thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất cao, do đó, các doanh nghiệp Việt cũng có nhiều cơ hội để bảo hộ, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cũng dễ dàng hơn; ngược lại cũng phải tôn trọng tuyệt đối sở hữu trí tuệ hay bản quyền của người khác. 

Một thực tế theo bà Như, rất ít công ty ở Việt Nam dùng 100% phần mềm có bản quyền.

Trong thời hạn bảo hộ, giá sản phẩm sẽ rất cao, tiêu biểu như ở ngành dược, máy móc công cụ… Tuy nhiên, chính điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự thân vận động, nghiên cứu ra những công nghệ và giải pháp mà mình cần.

“Hằng ngày, ở Việt Nam có rất nhiều sáng chế nhưng rất ít trong số đó được đăng ký, không được xác quyền vì nhiều nhà phát minh nghĩ rằng thủ tục đăng ký khó, không biết cách mô tả đúng chuẩn”, bà Như cho biết. Trong 1 năm, phòng sở hữu trí tuệ TP. HCM nhận khoản 300 đơn đăng ký sáng chế - giải pháp mới, chỉ có 1 đến 2 vụ kiện tụng, trong khi ở nước ngoài gấp hàng chục lần.

Để tận dụng tốt nhất CPTPP và giúp doanh nghiệp bật lên, các nhà lãnh đạo Việt phải thay đổi tập quán không tốt đó. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ vừa giúp chúng ta xác lập quyền sở hữu và ngăn cản người khác sử dụng công nghệ của mình vừa giúp bản thân biết được mình có đang vô tình vi phạm sở hữu trí tuệ của người khác hay không?

Về giải pháp, đầu tiên theo bà Như, doanh nghiệp phải chú trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ, đối với kiểu dáng công nghiệp và sáng chế phải bảo đảm điều kiện tính mới, nên đăng ký sớm. 

Nếu doanh nghiệp không nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi tung ra thị trường, sau này chúng ta sẽ không đăng ký được, người khác có thể sử dụng kiểu dáng hoặc bao bì của mình.

Thứ hai, sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ, phải sử dụng, tránh bị người khác xâm phạm. Theo luật định, nếu sau 5 năm đăng ký mà không sử dụng, người khác có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền huỷ quyền được bảo hộ của bạn.

Thứ ba, doanh nghiệp có thể tự mình nộp đơn đăng ký với thủ tục đơn giản tại Cục Sở hữu trí tuệ, hoàn toàn miễn phí.

“Còn nếu đăng ký ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chọn đại diện trực tiếp ở nước ngoài, mà nên chọn đại diện tư vấn sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Đăng ký vào quốc gia và khối nào chỉ được bảo hộ tại khu vực đó. Việc đăng ký sẽ ảnh hưởng tới vấn đề thực thi. Với các nhãn hiệu chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, chỉ trừ khi quá nổi tiếng, nếu không sẽ không được luật pháp Việt Nam bảo hộ”, bà Như cho biết thêm.

Các doanh nghiệp cần làm gì về mặt sở hữu trí tuệ để đón đầu CPTPP?
Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Maseco

Đề cập đến đề tài này, ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Maseco, đơn vị sở hữu thương hiệu đầu karaoke Arirang, đã kể rất nhiều câu chuyện thú vị mà ông phải đối phó, liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm đầu karaoke Arirang đã có từ lâu, song năm 2000, khi ông Hàn mang đi đăng ký thương hiệu thì không được chấp nhận. Arirang là tên một bài dân ca của Triều Tiên, mà theo luật định, định danh này không thể dùng làm thương hiệu cho một doanh nghiệp tư nhân.

Hoặc lúc khiếu kiện về xâm phạm bản quyền thì “được vạ má đã sưng”, ông Hàn chia sẻ: “Sau khi báo lên cơ quan có thẩm quyền về việc công ty nào nó làm hàng nhái Arirang, đợi đến khi cơ quan chức năng xuống thì lượng hàng giả đó cũng đã được họ tẩu tán gần hết. Thật sự là không có biện pháp chế tài tạm thời mạnh mẽ nào để áp dụng cho kẻ vi phạm, việc ra toà còn nhiêu khê hơn”.

Maseko cũng suýt chút nữa bị phá sản liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Một ngày đẹp trời, ông Hàn kể, đột nhiên Arirang nhận được khiếu kiện về xâm phạm bản quyền. Bên đó đòi Arirang phải trả cho họ vài USD/1 sản phẩm. Nếu truy lại tất cả các sản phẩm 10 năm trước, số tiền phải trả là rất nhiều.

Cũng may, Arirang có hợp đồng mua bán rõ ràng, trong hợp đồng ghi rõ: Arirang không chỉ mua quyền sử dụng công nghệ mà mua cả quyền sở hữu trí tuệ và độc quyền công nghệ đó tại Việt Nam. Thế nên, không ai có quyền khiếu kiện Arirang vi phạm bản quyền công nghệ đó tại lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp đáng chú ý nhất trong vấn đề sở hữu trí tuệ là của cà phê Napoli. Ông Nguyễn Đức Hưng – chủ cà phê Napoli than phiền rằng, dù đã thành lập và điều hành thương hiệu cà phê này 23 năm, song anh vẫn chưa thể đăng ký bảo hộ thành công.

“Điều kiện để được đăng ký sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng, từ lúc đăng ký đến lúc được chấp nhận cũng rất lâu, tốn kém nhiều thời gian của doanh nghiệp. Tôi đã đăng ký rất nhiều lần nhưng vẫn không được chấp nhận và hiện tại, tôi vẫn không biết lý do vì sao đơn của mình bị trả về”, ông Hưng nói.

Giải thích cho vấn đề này, bà Như làm rõ: “Luật hiện nay quy định, việc đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ hoàn tất sau 12 tháng nhưng thực tế không thế, phải sau 18 đến 20 tháng thì một hồ sơ mới được xử lý xong, do cơ quan chức năng không đủ nhân lực để xử lý kịp.

Còn chuyện Napoli không được chấp nhận bảo hộ thương hiệu, có thể vi phạm một trong các điều sau: đã có một thương hiệu cùng tên đăng ký trước, mô tả sản phẩm không rõ ràng…

Nhưng, dù khó khăn đến như thế nào, các doanh nghiệp Việt cũng không nên lơ là chuyện đăng ký sở hữu trí tuệ cũng như các thủ tục liên quan đến chúng nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi khi CPTPP có hiệu lực.