Sau Singapore, đến lượt Philippines phạt Grab và Uber vì sáp nhập

Vũ Ninh - 18:18, 17/10/2018

TheLEADERCơ quan quản lý Philippines tuyên bố phạt 16 triệu Piso, tương đương 296 nghìn USD.

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Philippines mới đây đã tuyên bố phạt Grab và Uber vì lý do việc sáp nhập quá sớm và chất lượng dịch vụ giảm xuống, trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực tuyên bố phạt hai ứng dụng gọi xe này.

Hồi tháng 3, Uber đã quyết định bán lại mảng hoạt động tại Đông Nam Á cho đối thủ cạnh tranh Grab để đổi lại 27,5% cổ phần tại doanh nghiệp này sau chuỗi ngày dài đầy khó khăn.

Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) hồi tháng 8 đã phê duyệt thương vụ mua lại này với điều kiện đáp ứng các quy tắc về đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hai công ty gọi xe này đã vi phạm các điều kiện, bao gồm việc kết hợp việc kinh doanh và sự tham gia của Uber vào hội đồng quản trị trong khi cơ quan chống cạnh tranh đang xem xét vụ việc.

Theo đó, cơ quan quản lý tuyên bố phạt 16 triệu Piso, tương đương 296 nghìn USD, Reuters đưa tin.

Grab và Uber sẽ trả chung 4 triệu Piso vì không thể tách riêng các doanh nghiệp của họ trong quá trình xem xét.

Grab sẽ chịu mức phạt 8 triệu Piso vì không duy trì được các điều kiện trước giao dịch, ví dụ như chính sách giá, khuyến mãi lái xe, ưu đãi lái xe và chất lượng dịch vụ. Uber cũng phải đối mặt mức phạt 4 triệu Piso cho lỗi tương tự.

Chủ tịch PCC Arsenio Balisacan trong một tuyên bố cho biết: "Đây là một lời nhắc nhở đối với các bên đang trong quá trình xem xét sáp nhập phải hợp tác và tuân thủ theo những yêu cầu của ủy ban", Reuters dẫn lời.

Cách đây khoảng 1 tháng, Singapore cũng đã tuyên phạt Grab và Uber 9,5 triệu USD sau khi kết luận về vụ sáp nhập của hai ứng dụng gọi xe này vào hồi tháng 3.

Theo đánh giá của cơ quan này, giá cước Grab trên thực tế tăng 10 – 15% sau khi vụ sáp nhập được diễn ra. Hãng gọi xe này hiện chiếm tới 80% thị phần tại thị trường Singapore.

Trong tuyên bố sau đó, người đứng đầu Grab Singapore nhấn mạnh việc “không cố ý vi phạm luật cạnh tranh” và công ty này đã không hề tăng giá cước sau khi vụ sáp nhập diễn ra, trái ngược với những phát hiện của CCCS, South China Morning Post dẫn tin.

Tuy nhiên, hãng này cho biết sẽ tuân thủ hình phạt và các biện pháp khắc phục do cơ quan quản lý ban hàng, bao gồm việc loại bỏ những thỏa thuận độc quyền.

Mặc dù đã rút khỏi thị trường Đông Nam Á, Uber vẫn đang cho thấy sức hút với những thương vụ rót vốn quy mô lớn. Theo nguồn tin được đưa bởi Wall Street Journal, Uber mới đây nhận được đề xuất định giá 120 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến diễn ra vào năm tới.

Mức giá này cao gần gấp đôi so với mức định giá của ứng dụng gọi xe này tại đợt huy động vốn cách đây khoảng 2 tháng. Con số 120 tỷ USD thậm chí còn lớn hơn cả vốn hóa của 3 hãng xe Mỹ là General Motors (GM), Ford và Fiat Chrysler cộng lại.