Sau Tết, nông sản vào chợ đầu mối phải có nhãn mác

Quỳnh Như - 15:43, 11/12/2017

TheLEADERĐể giảm thiểu rác thải ở các chợ đầu mối, cũng như nâng cao chất lượng nông sản tiêu thụ ở TP.HCM, Sở Công thương đang có đề án cho phép ba chợ đầu mối chỉ tiếp nhận các nông sản sạch và có nhãn mác xuất xứ rõ ràng.

Sau Tết, nông sản vào chợ đầu mối phải có nhãn mác
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM – bà Nguyễn Huỳnh Trang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: QN

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM, chẳng có lý do gì mà TP. HCM lại gánh thêm rác từ các tỉnh. Theo báo cáo, mỗi ngày, trung bình chợ đầu mối Bình Điền thải ra 70 tấn rác, chợ Thủ Đức là 60 tấn rác và chợ Hóc Môn là 85 tấn rác. Tức là mỗi ngày, trung bình thành phố phải nhận trên 200 tấn rác/8.000 tấn hàng mà các tỉnh nhập về ba chợ đầu mối.

Sơ chế để hạn chế đưa rác về thành phố

Tại Hội thảo Các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm ngày ở Hội nghị kết nối cung cầu 2017, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: "Sau Tết nguyên đán, tất cả nông sản vào chợ đầu mối ở TP. HCM phải sạch và có nhãn mác rõ ràng. Chúng tôi báo trước để các nhà cung cấp ở các tỉnh khác có thời gian chuẩn bị".

Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức – bà Nguyễn Thanh Hà, cực kỳ bức xúc vì lượng rác khổng lồ hàng ngày phải xử lý. Mỗi tháng, công ty bà phải trả cho Công ty Môi trường Đô thị 350 triệu đồng để họ thu gom, vận chuyển và khử mùi rác hữu cơ. Ngoài ra, tự bản thân công ty bà cũng phải tốn thêm 130 triệu đồng/tháng để trả cho nhân công vệ sinh thu gom rác tồn còn lại.

"Nông sản sau khi sơ chế tương đối, nên có bao bì bọc lại, gắn nhãn mác để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Hiện nay, việc chất đống hàng lên xe khiến nông sản bị hư hại, dập nát, giảm giá trị sản phẩm. Hàng Việt Nam thua hàng Trung Quốc phần nhiều cũng ở khâu sơ chế", bà Hà nhận xét.

Thế nên, theo bà Trang, sau Tết nguyên đáng, tất cả các nông sản ở các tỉnh lân cận, muốn vào ba chợ đầu mối của TP. HCM phải sơ chế, "làm đẹp" tương đối, gọn gàng; nhất là mặt hàng rau củ quả. Làm sao để khi nhận hàng, các chợ đầu mối không cần cắt tỉa lại, ngay lập tức có thể phân tán hàng ra các điểm bán lẻ hay siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Bên cạnh đó, sau khi sơ chế và đóng gói, các sản phẩm nên được gắn nhãn mác cụ thể: Tên thương hiệu, địa chỉ liên lạc, số điện thoại…

Nếu thực hiện hai điều này, hàng nông sản Việt Nam không chỉ trông đẹp và ngon hơn mà còn giúp nâng cao giá trị.

Làm nhãn mác rất nhiêu khê

Trao đổi riêng với TheLEADER, bà Trang cho biết: "Đây mới chỉ là đề án của Sở Công thương TP. HCM nên chưa có những quy định cụ thể". Tuy nhiên, tin tức này vẫn khiến nhiều người lo lắng.

Mặc dù ý định của Sở Công thương rất kịp thời và tiến bộ, song thời gian thực hiện có vẻ hơi gấp với các nhà cung cấp và Sở Công thương của các tỉnh. Có thể, vế đầu tiên – làm sạch và sơ chế, ai cũng có thể làm được, nhưng vế thứ hai – có nhãn mác cụ thể, thì hơi khó thực hiện. Mặc dù, Sở công thương TP. HCM hứa sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, song vì vướng cơ chế, quá trình này cần rất nhiều thời gian.

Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng – ông Huỳnh Ngọc Hải, cho biết: "Lâm Đồng đang có kế hoạch sẽ triển khai việc sơ chế sau thu hoạch ở các HTX mà nhà nước góp 30% ngân sách – tư nhân 70%. Sắp tới, những rau củ quả từ Lâm Đồng về TP. HCM sẽ không còn cuống cọng. Hoa cũng thế, sẽ được tỉa lá và cành gọn gàng. Làm sao, để khi nông sản/hoa của Lâm Đồng về TP.HCM, người dân có thể dùng luôn”.

Ông Hải cũng cho biết: “Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã bỏ ra 500 triệu đồng để làm thí điểm sơ chế - đóng gói – gắn nhãn mác cho khoai tây, song không hiệu quả. Chúng tôi cho 5 kg khoai tây vào túi lưới, sau đó đóng logo Đà Lạt. Thực tế, khách hàng thích mua khoai tây lẻ hơn, 1 hoặc 2 hoặc 3 kg, ít gia đình muốn mua một lần 5 kg khoai tây. Nhưng nếu chúng tôi chia nhỏ ra, chi phí sẽ đội lên cao, không mang lại nhiều lợi nhuận".

Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai – ông Thái Thanh Phong cũng kể: "Chúng tôi cũng muốn tất cả các sản phẩm nông sản của mình đều có nhãn hiệu đàng hoàng, nhưng vì thời gian đăng ký quá lâu, phải tới một năm rưỡi mới được công nhận, nên nhiều Hợp tác xã cảm thấy mệt mỏi. Chúng tôi kiến nghị sở Khoa học và Công nghệ phải tiến hành nhanh hơn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp".