Siết nguồn gốc thịt heo: Lò mổ bất tuân

Quang Đức - 17:41, 17/10/2017

TheLEADERNgay ngày đầu tiên thực hiện, hơn 5.000 con heo không đầy đủ thông tin vẫn được vào hai chợ đầu mối.

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại TP.HCM đã triển khai từ cuối năm 2016. Với mong muốn kiểm soát chặt hơn nguồn thịt vào thành phố, UBND TP.HCM đã quyết định, từ ngày 16/10/2017, thịt heo không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ không được phép nhập hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền.

5.000 con vi phạm

Để thực hiện quyết định của UBND TP.HCM, đêm 15 rạng sáng ngày 16/10, đoàn công tác của Sở Công Thương TP.HCM đã kiểm tra tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, Ban quản lý chợ cho biết, tính tới thời điểm 0 giờ, có 22 xe chở heo (tương đương 400 con) vào chợ nhưng chỉ 4 xe có đầy đủ thông tin truy xuất (tức gồm thông tin được kích hoạt từ trang trại, thông tin tại đầu vào và đầu ra của cơ sở giết mổ). Do không đầy đủ thông tin truy xuất nên số heo trên đã bị Ban quản lý chặn lại và không cho nhập chợ. Lúc này, nhiều thương lái đã gây áp lực đối với ban quản lý chợ. Ban quản lý đã phải xin ý kiến Sở Công thương.

Một cơ sở giết mổ tại Bình Tân, TP.HCM. Ảnh Quang Đức.

Dưới áp lực của thương lái, đoàn kiểm tra của Sở Công thương do ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở, làm trưởng đoàn đã bàn bạc cùng công ty quản lý chợ Bình Điền và quyết định vẫn cho các xe heo không đạt yêu cầu nhập chợ.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ, cho biết, 100% xe heo về chợ Hóc Môn có đeo vòng truy xuất nguồn gốc nhưng chỉ 24% xe có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến lò giết mổ, số còn lại chỉ có thông tin từ trang trại mà không có thông tin ở lò giết mổ.

Theo số liệu từ Sở Công Thương cập nhật trưa ngày 16/10, đêm 15 rạng sáng 16/10 có tổng cộng 9.776 con heo chuyển về TP.HCM tiêu thụ. Tính chung, trong ngày đầu tiên thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND TP.HCM, có tới hơn 5.000 con không đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc vẫn nhập hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Nguồn heo này từ đó sẽ đi tới các chợ lẻ của thành phố.

Khó khăn trong việc sử dụng thiết bị

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo triển khai vào ngày 16-12-2016. Sở Công Thương giao cho Hội Công nghệ cao thiết kế một ứng dụng miễn phí cài đặt trên điện thoại để soi thịt heo nhằm nhận biết nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng cách tải ứng dụng miễn phí Te-food trên www.te-food.com vào smartphone hay sử dụng máy kiểm tra đặt tại chợ. Dữ liệu liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thịt này sẽ được hệ thống quản lý lưu trữ đến 10 năm.

Không ít lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hòa đều cho biết, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tới thời điểm này đã thành công ở kênh phân phối hiện đại. Các đơn vị phân phối truyền thống lớn như Saigon Co.op, Satra, Lotte Mart, Big C… đều kinh doanh thịt heo từ các đơn vị, công ty cung ứng lớn như Vissan, Anh Hoàng Thy…

Ở kênh phân phối truyền thống việc triển khai đề án gặp nhiều khó khăn do người chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối thịt heo quá đông, bao gồm các hộ chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, các thương lái. Đối với các thương lái, hiện nay họ là những người hoạt động tự do, không đăng ký kinh doanh, mua bán tự phát, không bị ràng buộc tuân thủ các quy trình quản lý nên thiếu hợp tác, không tích cực, chủ động tham gia.

Trong đêm đi kiểm tra hai chợ đầu mối, ông Hòa cho biết, ngoài những khó khăn nêu trên thì điểm nghẽn lớn của đề án truy xuất nguồn gốc hiện nay là sự thiếu tham gia, thiếu hợp tác của các cơ sở giết mổ.

Ông Hòa dẫn số liệu, trước khi lò mổ Xuyên Á chưa bị tạm đóng cửa, lượng heo về hai chợ đầu mối chủ yếu được mổ tại các lò mổ có công suất 6.000 con/ngày của TP.HCM, còn lại 2.000 - 2.500 con là từ lò mổ của các tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn heo được mổ từ các cơ sở thuộc tỉnhchuyển về TP.HCM.

Để lý giải cho hành động tập hợp, phản ứng gay gắt trong đêm 15, rạng sáng 16/10, các thương lái tại chợ Bình Điền cho biết, thịt heo họ mang về chợ vẫn có giấy chứng nhận kiểm dịch, niêm phong xe theo quy định của Luật Thú y. Heo không có thông tin về nơi giết mổ, thương lái giải thích là do trình độ thấp, chủ yếu là lao động phổ thông nên khó khăn trong việc sử dụng thiết bị và lực lượng thú y từ tỉnh chưa hỗ trợ kích hoạt. Thương lái còn cho rằng, TP.HCM phải kiểm soát, truy xuất nguồn gốc heo từ cơ sở chăn nuôi, từ lò mổ chứ không phải kiểm soát ở chợ đầu mối.

Thịt heo tại chợ Hóc Môn. Ảnh: Quang Đông.

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền nêu nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thông tin ở lò mổ là do cán bộ thú y và chủ lò mổ ở tỉnh không phối hợp hỗ trợ kích hoạt vòng truy xuất màu trắng khi heo ra khỏi lò.

Trước đó, trong đợt chuẩn bị cho hoạt động siết kinh doanh ở hai chợ đầu mối vào ngày 16/10, để tránh tình trạng heo không thể vào chợ đầu mối do thiếu thông tin truy xuất đầy đủ sẽ được “tuồn” ra chợ lẻ, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo 24 quận, huyện, ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt nguồn thịt lợn tại địa bàn, chợ…