Sóc Trăng nhận thêm 1 tỷ USD đầu tư

Quỳnh Chi - 17:15, 20/06/2018

TheLEADERSóc Trăng vừa trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án, tổng mức vốn đầu tư trên 122.880 tỷ đồng (tương đương gần 5,4 tỷ USD)

Sóc Trăng nhận thêm 1 tỷ USD đầu tư
Sóc Trăng đang dần trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư.

Một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn FLC hay Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc) cũng đã lựa chọn Sóc Trăng là địa điểm đầu tư tiếp theo của mình nhờ những thế mạnh sẵn có của tỉnh này cũng như tinh thần mời gọi và ủng hộ các dự án đầu tư của UBND tỉnh.

Trong đó, FLC sẽ nghiên cứu đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn kết hợp phát triển du lịch sinh thái cũng như nghiên cứu đầu tư tổ hợp vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp tại trung tâm thành phố Sóc Trăng. 

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án, tổng mức vốn đầu tư trên 122.880 tỷ đồng (tương đương gần 5,4 tỷ USD). Trong đó, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lên tới 1 tỷ USD cho các dự án. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Sóc Trăng là vùng đất hạ lưu sông Mekong; nếu nhìn từ phía Biển Đông, Sóc Trăng có vị trí cực kỳ đắc địa, là mặt tiền hướng biển của Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi sông Hậu đổ ra Biển Đông tại cửa biển Trần Đề. 

Đây sẽ là một lợi thế rất lớn để tỉnh Sóc Trăng phát triển trở thành "kho chứa bạc" của nhà đầu tư và người dân, đặc biệt nếu có thể tận dụng tiềm năng phát triển các lĩnh vực như logistics hay cảng biển. 

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết hiện nay, tuyến luồng ra cửa biển Trần Đề góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực khai thác hệ thống cảng biển khu vực sông Hậu. Đồng thời, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đã đưa vào hoạt động, góp phần khai thác tối đa năng lực luồng tàu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Do đó, tỉnh này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để nạo vét tuyến luồng ra cửa biển Trần Đề; trong trường hợp gặp khó khăn về vốn thì cho phép thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nghĩa là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. 

Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về loại cảng biển và quy mô đối với cảng biển Trần Đề là cảng biển đặc biệt; làm cơ sở để Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Sóc Trăng hoàn chỉnh hồ sơ bồ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển quốc gia.

Để vươn lên và thành công dựa  tiềm năng và lợi thế so sánh của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế chính cho sự phát triển của Sóc Trăng trong tương lai bao gồm: nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo.

Đối với năng lượng tái tạo, Sóc Trăng đặc biệt có tiềm năng lớn đối với lĩnh vực điện gió. Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng được Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2020 sẽ phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí với quy mô công suất tiềm năng 1.155 MW, nhưng quy mô công suất phát lên lưới điện chỉ phân bổ 200 MW.

Tính đến giữa tháng 5/2018, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng công suất 85 MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Bên cạnh đó, có 30 nhà đầu tư đã hoàn chỉnh, nộp hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư tại 9 vị trí điện gió theo quy hoạch, với tổng công suất tối thiểu dự kiến phát đến năm 2020 là 270 MW. Như vậy, tồng nhu cầu công suất phát tối thiểu đến năm 2020 theo thực tế các dự án đã đăng ký là 355 MW.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, tôm nước lợ tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng. Trong số các mô hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh này phải kể đến khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Khánh Sủng tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề.

Với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng cho 2 khu nuôi tôm có tổng diện tích hơn 100 ha, tổng sản lượng nuôi tôm của công ty trong năm ngoái đạt trên 1.600 tấn. 

Ngoài ra, công ty này đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công suất 12.000 tấn/năm với doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng năm 2017; các sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU, Hongkong và Trung Đông.