STARTUP: 'Nuôi ước mơ, đừng nuôi ảo tưởng'

Lê Tấn Thanh Thịnh - 08:56, 03/09/2017

TheLEADER“Người khởi nghiệp không cần suy nghĩ những chuyện quá cao siêu, điều quan trọng là phải sống được trong 1 – 2 năm đầu, sau đó hãy tính đến những chiến lược vĩ mô hơn. Hãy tập bay trước khi muốn bay cao, bay xa”.

STARTUP: 'Nuôi ước mơ, đừng nuôi ảo tưởng'
Lê Tấn Thanh Thịnh, CEO BrandBeats Music Marketing. Ảnh NVCC

LTS: Bên cạnh vốn hay chính sách, điều startup cần là một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, nơi bất cứ ý tưởng startup nào cũng được ươm mầm và tạo điều kiện để phát triển.

Đó là nội dung chuyên đề "Khởi nghiệp: Góc nhìn người trong cuộc" sẽ được khởi đăng trên TheLEADER. Chuyên đề nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Câu lạc bộ Quản trị và khởi nghiệp, các chuyên gia thương hiệu, những doanh nhân thành đạt và đông đảo thành viên của Câu lạc bộ.

STARTUP: 'Nuôi ước mơ, đừng nuôi ảo tưởng'

(Lê Tấn Thanh Thịnh, CEO BrandBeats Music Marketing)

Dự án đầu tiên mình tham gia là thương mại điện tử khi mới 19 tuổi và kết quả thất bại vì chưa tìm được thị trường. Còn ở dự án thứ hai, mình và các nhà đồng sáng lập đã đi được một chặng đường khá dài, nhưng rốt cuộc cũng phải dừng lại vì mỗi người đều có công việc riêng, không đầu tư đủ thời gian cho dự án về giáo dục. Hai bài học quý báu mà mình rút ra được là: thứ nhất, dù kinh doanh dịch vụ hay sản phẩm gì, bạn cũng phải tìm được đúng thị trường trước đã. Thứ hai, làm việc gì cũng phải toàn tâm toàn ý cho nó.

Mấy anh em khởi nghiệp hiện nay thường hỏi vui nhau rằng: "Anh có được mấy công ty rồi?”. Điều này phản ánh một thực trạng là khởi nghiệp đã trở thành trào lưu, đến mức nhiều người trẻ cho rằng mức độ thành công của bản thân được đo đếm bởi số lượng công ty từng tham gia sáng lập, bất chấp hiệu quả hoạt động đến đâu.

Mình đồng ý rằng tinh thần khởi nghiệp nên được khuyến khích, nhưng người trẻ cần tập trung tối đa vào việc mình đang làm và khiêm tốn nuôi dưỡng ước mơ chứ đừng nuôi ảo tưởng. Theo đó, sau khi ra trường, người trẻ vẫn nên đi làm để biết được một công ty vận hành như thế nào, sau đó, khi quyết định khởi nghiệp thì phải chấp nhận từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu.

Nói về lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, bản thân là một người con xứ Huế, được làm việc trong tập đoàn nước ngoài – thực sự là một niềm tự hào lớn. Hơn nữa, sau gần 5 năm làm việc tại một tập đoàn với 2 năm đảm nhận vai trò quản lý, mình đã nhen nhóm ý tưởng “ra riêng” để vận hành BrandBeats, mình còn có cơ hội được ra nước ngoài tham gia khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo. Lúc đó, mình đứng giữa 2 sự lựa chọn: một bên là được hiện thực hóa ước mơ từ nhỏ là đi học ở nước ngoài, cộng thêm sự ủng hộ mạnh mẽ từ gia đình và cơ hội thăng tiến cao; một bên là theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp mà khả năng thành công không thể được đảm bảo.

Tuy nhiên, khi nhớ đến một câu nói thể hiện triết lý sống của người Do Thái từng đọc trong một cuốn sách: “Khi bạn đang ở tại một giới hạn an toàn thì phải vượt qua nó”, mình quyết định vượt qua giới hạn an toàn của mình bằng cách từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm để trở thành một nhà khởi nghiệp.

Tập bay trước khi muốn bay cao, bay xa...

Trải qua nhiều cú va vấp, mình cho rằng sự kiên nhẫn là một trong những chiến lược quan trọng để thành công: “Người khởi nghiệp không cần suy nghĩ những chuyện quá cao siêu, điều quan trọng là phải "sống" được trong 1 – 2 năm đầu, sau đó hãy tính đến những chiến lược vĩ mô hơn. Hãy tập bay trước khi muốn bay cao, bay xa”.

Trong quá trình “tập bay” đó, một kỹ năng quan trọng mà mình nhận thấy rất quan trọng nhưng nhiều nhà khởi nghiệp còn chưa đầu tư đúng mức, đó là xây dựng một mạng lưới cộng đồng lớn trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.

Hiện tại, mình luôn cảm thấy lựa chọn khởi nghiệp sau gần 5 năm đi làm là hoàn toàn đúng đắn: “Thay vì chấp nhận một cuộc đời bằng phẳng, “dễ sống”, hiện tại ước mơ của mình đã rõ ràng hơn, đó là vừa duy trì niềm đam mê marketing với BrandBeats, vừa đóng góp nhiều hơn cho ngành âm nhạc Việt Nam”.