Tầng hầm chung cư: 'Quả bom cháy' nguy hiểm đang bị xem nhẹ

An Chi - 10:36, 30/03/2018

TheLEADERNếu xảy ra sự cố cháy nổ tại tầng hầm, chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể biến hàng trăm chiếc ô tô, xe máy chứa đầy xăng trong chớp mắt trở thành những quả bom vừa cháy, vừa nổ vô cùng nguy hiểm.

Tầng hầm chung cư: 'Quả bom cháy' nguy hiểm đang bị xem nhẹ
Cảnh hoang tàn, đổ nát dưới tầng hầm chung cư Carina Plaza. Ảnh: Infonet

Hiểm hoạ từ tầng hầm

Thời gian vừa qua, nhiều vụ cháy chung cư gây hậu quả nghiêm trọng đều xảy ra ở khu vực tầng hầm. Gần đây nhất là vụ hoả hoạn kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza đường Võ Văn Kiệt, Phường 16, Quận 8, TP. HCM xảy ra đêm 22/3/2018.

Theo kết luận bước đầu của Công an TP. HCM về vụ cháy tại chung cư này, nguyên nhân của hỏa hoạn khiến 13 người chết và hơn 50 người bị thương là do sự cố chập điện từ chiếc xe Attila trong tầng hầm.

Tia lửa điện phát ra từ xe Attila lúc 1h15 ngày 23/3. Hơn một phút sau, khu vực để chân phía sau xe có khói và lửa nhỏ. Gần 5 phút tiếp đó, lửa bùng lên ở đầu xe. Lửa lớn dần trong suốt 8 phút, cao ngang ống thông gió của tầng hầm và cháy lan sang các xe máy xung quanh. Đám cháy ngày càng lớn, hơn 13 phút sau thì điện trong tầng hầm tắt.

Cũng theo kết quả điều tra xác định, toàn bộ hệ thống báo cháy âm thanh và phun nước tự động của tòa nhà không hề hoạt động trong suốt thời gian trên, lực lượng bảo vệ trực đêm tại khu vực cũng không kịp thời phát hiện để chữa cháy và báo cháy cho cư dân của toà nhà.

Trước đó, vụ cháy tại chung cư CT4 – Xa La, Hà Đông Hà Nội thiêu trụi hơn 300 xe máy và một ô tô của người dân cũng xảy ra tại tầng hầm. Nguyên nhân của hoả hoạn là do chập điện. 

Cũng giống như vụ cháy chung cư Carina, khói từ tầng hầm lan lên các tầng cao của toà CT4 - Xa La khiến hàng trăm người mắc kẹt. Nhiều người phải nhập viện vì ngạt khói, nhưng rất may, việc giải cứu thành công nên không có thiệt hại về người. 

Hai vụ cháy này đều có điểm giống nhau là xuất phát từ hầm gửi xe. Công tác chữa cháy ban đầu thất bại, khi lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp đến thì lửa đã rất lớn nên khó khống chế. Khói lan vào cầu thang bộ khiến việc thoát hiểm khó khăn. Trước khi xảy ra cháy, những vấn đề về mất an toàn phòng cháy chữa cháy đã được người dân phản ánh nhưng không được khắc phục.

Vẫn đang bị xem nhẹ

Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội, tính đến ngày 10/1/2018, thành phố còn 42/78 chung cư cao tầng chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong số này, hầu hết lỗi vi phạm đều nằm ở khu vực tầng hầm.

Trung tá Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP. Hà Nội cho biết, nhiều tầng hầm thuộc các khu chung cư là nơi lắp đặt các bốt điện, giàn tản nhiệt điều hòa, trong khi không khí trong tầng hầm rất nóng và bí, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. 

Trong khi đó, hầm chung cư lại là nơi ít người qua lại, nếu xảy ra cháy nổ sẽ khó có thể phát hiện sớm. Công tác chữa cháy hết sức khó khăn. Cháy ở tầng hầm các tòa nhà cao tầng rất khó chữa và dễ dẫn đến hậu quả lớn.

Nguy cơ cháy nổ chung cư tại các thành phần lớn vẫn liên tục được cảnh báo từ nhiều năm nay. Thế nhưng, do sự phớt lờ, thiếu quan tâm từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư nên việc khắc phục vi phạm vẫn còn chậm chễ và thường rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", ông Hùng nhận định.

Một khía cạnh khác trong việc mất an toàn tại hầm chung cư, theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều chung cư đang có xu hướng đưa siêu thị vào trong tầng hầm với lý do giúp thuận lợi cho sinh hoạt của cư dân và tiết kiệm không gian.

“Ở các nước, không phải nơi nào người ta cũng cho siêu thị vào hầm chung cư, bởi siêu thị trong chung cư như 'bom nổ chậm", có thể phát hỏa, nổ bất cứ lúc nào nếu như hệ thống phòng cháy chữa cháy không đáp ứng được”, ông Tùng cho hay.

Hầm chung cư: Quả bom cháy nguy hiểm đang bị xem nhẹ 1
TS. Nguyễn Hồng Thục

Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư: Thực trạng và Giải pháp” do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư cũng cho rằng, những chiếc xe trong tầng hầm không đảm bảo yêu cầu, rò rỉ xăng dầu thì chỉ cần một người hút thuốc đi ngang qua cũng có thể làm ngọn lửa bùng phát. 

Nghiêm trọng hơn, nếu xảy ra tình trạng chập cháy, hàng trăm chiếc ô tô, xe máy chứa đầy xăng nơi đây sẽ là hàng trăm quả bom vừa cháy, vừa nổ, vô cùng nguy hiểm.

Chưa nói đến việc thiết bị chữa cháy, chuông báo cháy có hoạt động hay không, song tại nhiều khu chung cư, ô tô, xe máy dựng chèn kín khu vực để hộp thiết bị chữa cháy, gây khó khăn trong công tác cứu hộ nếu cháy nổ xảy ra.

Về giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho chung cư, bà Thục cho rằng: "Ở các nước khác, khu để xe có thể tách biệt với tòa nhà hoặc ở tầng thấp của tòa nhà. Tôi cho rằng, đây là giải pháp khá khả thi. Chúng ta không nên có tầng hầm để xe tại các khu chung cư đông dân như Linh Đàm, sẽ rất nguy hiểm".

Ngoài thiết kế tầng để xe trên mặt đất như vậy, người dân cần tăng cường sự giám sát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc, bà Thục cho hay.

Còn theo ông Tùng, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy chữa cháy trong chung cư cũng như tự trang bị cho mình những kiến thức để đảm bảo an toàn khi có hoả hoạn xảy ra. Các thiết bị trong chung cư như thang cá nhân, mặt nạ phòng độc nên được chuẩn bị sẵn trong các gia đình. 

Bản thân mỗi người dân, các chủ đầu tư và cơ quan quản lý cần có ý thức hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy, không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Tùng nhấn mạnh.