Tăng trưởng xuất khẩu và 5 câu hỏi của Thủ tướng

Quỳnh Chi - 14:27, 23/04/2018

TheLEADERTại hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu sáng 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 5 câu hỏi lớn cần được giải quyết để xuất khẩu của Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Tăng trưởng xuất khẩu và 5 câu hỏi của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng nhất để tăng trưởng và phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.

Trong năm qua, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, đạt mức 214 tỷ USD trong năm 2017 với nhiều ngành hàng có kim ngạch lớn như: điện tử, chế biến - chế tạo, nông nghiệp... nhiều sản phẩm đã tìm ra được lối đi riêng, biết ứng dụng công nghệ 4.0 để cải tiến mẫu mã.

So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu phát triển. Đây là điều quan trọng để nước ta không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

“Nhiều lãnh đạo kể cả các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thậm chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đều đi tiếp thị cho sản phẩm của Việt Nam, tìm thị trường mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng  cũng nhìn nhận hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như sản phẩm chưa đa dạng, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, vẫn còn nhiều nút thắt về sản xuất, thị trường, cơ chế chính sách, thực thi công vụ...

Khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại. Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu.

Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn.

“Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”, Thủ tướng lưu ý.

Mặt khác, tính cạnh tranh hàng xuất khẩu ngày càng gay gắt trong khi, một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng chưa đồng đều. Một số sản phẩm trước tốt, sau xấu, thậm chí có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng có 5 câu hỏi lớn cần được giải quyết để xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh và bền vững, từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Thứ nhất, cần đưa ra các giải pháp làm tăng giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam; các doanh nghiệp Việt có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê và chế biến thô. Thứ hai, cần chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần đưa ra các phương án để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu; đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay.

Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa đồng thời nắm rõ những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước.

Ngoài ra cần nhìn nhận các khâu còn yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay; chẳng hạn như ngoại ngữ, pháp luật và chất lượng; từ đó đề xuất những chiến lược tổng quan để đẩy mạnh xuất khẩu một cách có hệ thống và tiếp cận hiệu quả bức tranh lớn về xuất khẩu.

3 đề xuất của Bộ Công thương

Trước những khó khăn xuất khẩu Việt Nam còn phải đối mặt, Bộ Công thương đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018 với 3 nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất, nhóm giải pháp tác động vào phía cung bao gồm: các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; 

Từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; 

Tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Thứ hai, nhóm giải pháp tác động vào phía cầu bao gồm: các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; 

Tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.

Thứ ba, nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu bao gồm: các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường;

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.