Thách thức buộc ngành bán lẻ phải thay đổi nhìn từ cái chết của Parkson

Quỳnh Như - 08:21, 11/05/2018

TheLEADERVới sự lớn mạnh không ngừng của thế hệ Y – khách hàng chủ lực của ngành bán lẻ, đã đến lúc các trung tâm thương mại cần đa dạng hoá sản phẩm của bản thân nếu không muốn lụi tàn.

Thách thức buộc ngành bán lẻ phải thay đổi nhìn từ cái chết của Parkson
Bên trong trung tâm thương mại Citygate Outlets ở Hong Kong.

Ông Nicholas Bradstreet, Giám đốc bộ phận cho thuê Savills Hong Kong cho biết, hiện tại ngành bán lẻ châu Á đang thay đổi chóng mặt, muốn sống tốt các chủ trung tâm thương mại phải biết ‘kết nạp’ thêm nhiều cửa hàng/trung tâm ngoài ngành may mặc, như ẩm thực, sức khoẻ, giải trí…

“Trong 2 tháng đầu năm 2018, ngành bán lẻ của Hong Kong tăng trưởng 15,7%, Trung Quốc là 9,7%,Thổ Nhĩ Kỳ 0,6%, Thái Lan 12,7% và Việt Nam 10,1%”, ông Nicholas Bradstreet cho biết.

Sở dĩ có sự tăng trưởng tốt như thế là bởi nền kinh tế của các nước trong khu vực châu Á đang phát triển tốt và ổn định, thu nhập của người dân tăng cao, tầng lớp trung lưu ngày một nhiều. Tầng lớp trung lưu chỉ tính riêng của Trung Quốc hiện có khoảng 300 triệu người.

Nhiều nước cắt giảm thuế ở nhiều mặt hàng khác nhau, giúp tăng sức mua. Chính phủ Trung Quốc vừa cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng tiêu dùng như rượu vang, rượu mạnh, dược phẩm và thực phẩm.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển nhanh như vũ bão của ngành thương mại điện tử cũng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành bán lẻ. Việc mua bán online đang trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của giới trẻ. Dự đoán, vào năm 2022, khoảng ¼ sản lượng bán lẻ của vùng châu Á – Thái Bình Dương là qua online.

Một lý do nữa đến từ việc thế hệ Y – Millennial, sinh năm 1980 – 2000 đang dần lớn mạnh, hiện thế hệ Y chiếm hơn 40% dân số trong khu vực và sẽ là một quyền lực mới trong tương lai khi có thể chi tiêu 6.000 tỷ USD vào việc mua sắm tới năm 2020. Trung bình họ dùng smartphone 2,8 giờ/ngày, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các quảng cáo trên mạng xã hội (social media).

Còn nhớ, cách đây khoảng 13 năm, các trung tâm thương mại mang thương hiệu Parkson chính là điểm đến thể hiện sự sành điệu của nhiều người tại thành phố lớn. Nhưng hiện chúng đang dần phải đóng cửa, một trong những lý do quan trọng là do Parkson phản ứng quá chậm trước sự thay đổi của thời cuộc, nhất là trong mảng bán lẻ.

“Khách hàng bây giờ đã thay đổi, không còn giống trước kia, họ có ít thời gian hơn nhưng mong đợi cao hơn, muốn được kết nối mọi lúc mọi nơi, muốn được trao quyền nhiều hơn và được giải trí nhiều hơn. 

Hãy mang nhiều hơn các cửa hàng thức ăn và thức uống vào các trung tâm thương mại. Kèm theo đó là rạp chiếu phim, quá cà phê ca nhạc, sân khấu kịch nói, phòng triển lãm, thư viện… phục vụ cho việc giải trí", lãnh đạo Savills Hong Kong khẳng định.

Thách thức buộc ngành bán lẻ phải thay đổi nhìn từ cái chết của Parkson
Ông Nicholas Bradstreet, Giám đốc bộ phận cho thuê của Savills Hong Kong

Tiếp theo, tích cực giới thiệu các thương hiệu mới cho thị trường như Lululemon, Lego, Atellier Cologne… Đừng quá ưu ái các nhãn hiệu quá sang trọng, hãy tập trung vào các thương hiệu tốt nhưng giá cả phải chăng Rag & Bone, MM6, Maje… hay các thương hiệu độc lập giống Moleskine, Fedeli. 

Tất cả các nhãn hàng này rồi cũng sẽ nhanh chóng cập bến thị trường Việt Nam.

Cuối cùng, các trung tâm/cửa hàng luyện tập và chăm sóc sức khoẻ như phòng gym, xông hơi, nước uống trái cây, rau quả hữu cơ… cũng cần thiết chẳng kém. Chúng cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn các hoạt động hơn khi đến các trung tâm thương mại.

Nếu được, trang bị thêm các máy trò chơi, giải trí… nhằm biến các trung tâm thương mại trở thành nơi có thể thoả mãn mọi nhu cầu của khách hàng, từ mua sắm ăn uống, vui chơi, thư giãn, khám phá, chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ…

Các nhà bán lẻ cũng không thể đứng ngoài buộc, muốn dẫn đầu, họ cũng phải thoả mãn những nhu cầu ngày càng cao và khác biệt của khách hàng.

Cửa hàng thời nay phải tương tác với người tiêu dùng một cách khắng khít hơn, huấn luyện nhân viên để theo kịp thay đổi của người dùng, đề cao trải nghiệm cá nhân, tập trung vào lượng khách VIPs, tăng cường lòng trung thành của người tiêu dùng…

Theo  các nhà bán lẻ phải bỏ công sức tạo ra những cửa hàng có cách bài trí đặc biệt – sinh động – phá cách, có những quầy kệ khác nhau để giới thiệu sản phẩm mới/cao cấp, làm sao để khi khách hàng bước vào cửa hàng sẽ phải thốt lên “wow”. 

Ngày nay, các cửa hàng không chỉ đơn thuần là nơi để trưng bày sản phẩm mà còn thể hiện sự sáng tạo, đẳng cấp và mức độ hiểu khách hàng của các nhà bán lẻ. 

Đồng thời, các nhà bán lẻ phải tạo ra nhiều trải nghiệm cá nhân hơn cho khách hàng trong cửa hàng, giúp khách hàng tương tác được với các sự kiện của các thương hiệu, cá nhân hoá trong việc sản xuất và miêu tả sản phẩm… thông qua nhiều kênh khác nhau.

Hoặc nữa, có thể hợp tác với các nhãn hàng khác, như Rinowa và Supreme, Blenciaga và Crocs, Vetements và Champion…

Một chủ cho thuê/nhà bán lẻ tài giỏi là kẻ dám chấp nhận thay đổi, thích nghi và trở nên mạnh hơn. Kẻ sống sót cuối cùng chính là kẻ bắt kịp nhanh và đúng với thời cuộc, Nicholas Bradstreet nói.