Thách thức kinh tế nào đang chờ Putin trong nhiệm kì mới?

Hương Đặng - 22:20, 08/05/2018

TheLEADERTiếp tục trở thành người đứng đầu nước Nga trong ít nhất 6 năm tới, ông Putin sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể cứu nền kinh tế nước này thoát khỏi sự ảm đạm kéo dài.

Thách thức kinh tế nào đang chờ Putin trong nhiệm kì mới?
Đây là nhiệm kì thứ tư của ông Putin tại nước Nga. Ảnh: The Wall Street Journal

Lời hứa lớn

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức mới đây của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy tham vọng lớn đối với nền kinh tế khi muốn đưa nước Nga lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới tới năm 2024.

Nếu xét theo chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, Nga hiện vẫn chưa lọt top 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới và để đạt được mục tiêu ông Putin đề ra, Nga phải gia tăng với tốc độ hai con số trong vòng 6 năm tới.

Ở một khía cạnh khác, nếu tính GDP theo sức mua tương đương, Nga hiện đang ở vị trí thứ 6 và mục tiêu của ông Putin trở nên bớt xa vời hơn.

Ngoài ra, vị tổng thống sở hữu ít nhất 4 nhiệm kì cũng đặt kế hoạch đưa tăng trưởng GDP của Nga trên mức trung bình toàn cầu. Mặc dù vậy, nếu như năm 2017, thế giới tăng trưởng trung bình 3,5% thì con số của Nga chỉ là 1,5% và trong năm 2018, xu hướng này dự kiến sẽ vẫn được tiếp tục, theo Russia Times.

Thách thức cản đường

Bài toán lớn nhất mà người đứng đầu điện Kremlin cần giải quyết chính là đa dạng hóa nền kinh tế trong bối cảnh Nga hiện vẫn phụ thuộc lớn vào sản lượng dầu cũng như thị trường châu Âu.

Quá khứ 18 năm cầm quyền của Putin đã cho thấy đây là nút thắt trong con đường đạt được tham vọng của nhà cầm quyền này.

Thời điểm từ năm 2014 tới năm 2016, nền kinh tế Nga chịu hai cú đánh lớn. Thứ nhất là giá dầu thô, dòng huyết mạch của kinh tế nước này, sụt giảm nghiêm trọng từ 108 USD xuống dưới 30 USD vào 2/2016. Cùng lúc, các biện pháp trừng phạt đến từ phương Tây khiến Moscow gần như cạn kiệt nguồn tài trợ quốc tế cho các công ty, ngân hàng cũng như chính phủ.

Trong giai đoạn 2015, 2016, giá dầu giảm mạnh tác động tiêu cực đến doanh thu xuất khẩu, từ đó tạo áp lực lớn lên cán cân tài chính của Nga.

Ngay cả sau khi cuộc suy thoái kinh tế đã đi qua, tỷ lệ tăng trưởng dự báo cho nước Nga vẫn ở mức dè dặt. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Nga được dự kiến sẽ tăng 1,7% trong năm nay và 1,8% trong năm 2019. Điều này cho thấy sự lạc quan đối với nền kinh tế Nga vẫn chưa trở lại.

Một thách thức nữa mà nước Nga đang phải đối mặt chính là vấn đề thiếu hụt đầu tư. Khoảng hai năm trước khi cuộc suy thoái bắt đầu, tăng trưởng đầu tư tại Nga đã giảm mạnh.

Thời điểm quý III/2016, đầu tư tại Nga không những không tăng trưởng mà còn sụt giảm tới khoảng 13% so với cùng kì năm trước đó, mức giảm cao nhất thời kì 5 năm từ 2012 tới 2017. Theo số liệu từ Financial Times, sụt giảm đầu tư tại Nga diễn ra liên tục từ quý III/2013 tới hết năm 2016.

Việc thiếu hụt đầu tư có thể thấy ở khắp mọi nơi trong nền kinh tế nước Nga như mức tự động hóa công nghiệp thấp, cơ sở hạ tầng yếu, quan liêu và tham nhũng đẩy chi phí sản xuất và giao dịch tăng lên, cản trở Nga cạnh tranh với các thị trường mới nổi khác như Brazil, China hay Indonesia.

Hệ lụy là tăng trưởng thu nhập hàng tháng của người dân Nga cũng không khá khẩm là bao khi luôn âm và tình trạng này đã kéo dài tới 4 năm trở lại đây kể từ tháng 1/2015, theo Financial Times.

Tỷ lệ nghèo đói tại Nga cũng gia tăng lên mức 14% từ con số 11% năm 2013 và các nhà kinh tế cảnh báo rằng mức độ nghèo đói thật sự còn cao hơn.

Trước những diễn biến đã diễn ra và trước những dự báo, việc ông Putin có đạt được mục tiêu hay không còn nằm ở cách ông giải quyết thách thức như thế nào.