Thâu tóm công ty sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro

An Chi - 17:27, 26/01/2018

TheLEADERBà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, trong chuỗi giá trị của sản phẩm, sản xuất là khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất, do đó, đầu tư thâu tóm công ty sản xuất trong thời điểm hiện tại có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Thâu tóm công ty sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trong số trước, bài toán đầu tư tài chính hay thâu tóm luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp, nhất là khi những công ty này đã phát triển đến một quy mô nhất định, muốn mở rộng đầu tư kinh doanh.

Tại chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 39 phát sóng trên VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam ) với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - đầu tư tài chính hay thâu tóm" đã đặt ra tình huống của một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng may mặc, điện tử, thuộc quyền sở hữu 100% của các thành viên trong gia đình.

Sau 20 năm phát triển và thành công, doanh nghiệp đã tích luỹ được một lượng vốn tương đối lớn. Cùng chung mong muốn sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn để kinh doanh, các thành viên HĐQT đã thống nhất sẽ ngừng chia cổ tức để tái đầu tư phát triển kinh doanh.

CEO của doanh nghiệp đã đề xuất doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn vốn, nghiên cứu và lựa chọn mua một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tiềm năng theo hình thức M&A.

Vị CEO này cho rằng, trong thực trạng của nền kinh tế hiện nay, đầu tư tài chính còn mạo hiểm do vấn đề minh mạch thông tin doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ không chi phối được đơn vị mình đầu tư, dẫn đến bị lệ thuộc vào chất lượng điều hành và quản lý của các công ty đó. Nếu công ty đó xuống dốc hoặc phá sản thì doanh nghiệp sẽ mất trắng. 

Trong khi đó, suốt 20 năm phát triển, với vai trò là một công ty xuất nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ mua và bán, chưa sở hữu thương hiệu của riêng mình.

Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường mở cửa như hiện nay, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là các mặt hàng thời trang của nước ngoài tràn vào trong nước, các công ty sản suất sau thời gian phát triển lớn mạnh cũng tự bán được hàng, không phải cần đến các kênh phân phối. Điều này khiến cho về lâu dài, công ty sẽ không có nguồn hàng để bán.

Do đó, giải pháp của doanh nghiệp là mua lại một công ty sản xuất trong lĩnh vực may mặc. Thay vì đầu tư tài chính, doanh nghiệp sẽ tự sản xuất và định vị thương hiệu của mình trên thị trường.

Nhận định về vấn đề này, tại Chương trình Chìa khoá thành công số 40 tiếp tục chủ đề "Doanh nghiệp gia đình – Đầu tư tài chính hay thâu tóm", ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin cho rằng, trong lịch sử thế giới đã chứng minh rất nhiều thương hiệu lớn rất thành công như Naiki, Apple.

'Thâu tóm doanh nghiệp sản xuất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro'
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin

Các tập đoàn này đều không có nhà máy và cũng không đầu tư tài chính mà họ chỉ có hệ thống thiết kế và các kênh phân phối. Khi có các thiết kế mới, các công ty này lập tức đưa về các đơn vị sản xuất của mình và sau đó lại đưa sản phẩm trở lại thị trường qua các kênh phân phối trên toàn cầu.

Theo ông Kỳ, vấn đề cơ bản của doanh nghiệp là tồn tại. Do đó, khi có nhà máy rồi thì bài toán đặt ra là làm thế nào để xây dựng thương hiệu, sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bài toán đó có đúng hay không nhất là trong thời gian gần đây, với sự tham gia của công nghệ 4.0, robot thay thế sức làm việc của con người, các doanh nghiệp sản xuất hiện này sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn.

Doanh nghiệp có cần thiết phải phát triển theo hướng duy nhất là mua lại nhà máy sản xuất hoặc đầu tư tài chính, hay vẫn có một cách phát triển thứ ba nữa, an toàn và hiệu quả hơn, ông Kỳ đặt câu hỏi.

Theo ông Kỳ, thay vì tập trung đầu tư tài chính, hoặc mua một nhà máy với nhiều rủi ro, tại sao doanh nhiệp không đầu tư thiết kế. Từ đó, tạo ra các bộ sưu tập riêng, thương hiệu riêng. Khi rủi ro, doanh nghiệp chỉ bị thiệt hại ở một bộ sưu tập, cái mất của doanh nghiệp sẽ chỉ trong ngắn hạn, không phải là nghiêm trọng như khi thâu tóm cả một công ty khác hay đầu tư tài chính.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cũng cho rằng, việc mua lại những công ty sản xuất đã có thương hiệu sau đó cải tạo lại thương hiệu đó thậm chí còn đắt hơn nhiều so với việc xây dựng một thương hiệu mới ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, trong chuỗi giá trị của sản phẩm, sản xuất là khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất nhưng lại phức tạp nhất. Nếu đầu tư thâu tóm công ty sản xuất, doanh nghiệp có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro vào thời điểm hiện tại.

Thay vì thâu tóm, bà Vân cho rằng, tại sao doanh nghiệp không hợp tác với nhà sản xuất để họ sản xuất sản phẩm cho mình, cùng giúp họ phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể đầu tư một chút cổ phần trong công ty đó để giúp họ quan tâm.

Đầu tư tài chính không hoàn toàn là việc thu lợi nhuận mà còn có thể giúp gia tăng mối liên kết giữa các công ty, tạo giá trị thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu phát triển của mình, các kế hoạch 5 năm, 10 năm. Khi doanh nghiệp còn chưa xác định được được định hướng phát triển một cách rõ ràng thì bàn về việc thâu tóm công ty hay đầu tư tài chính vẫn còn quá sớm, Tổng giám đốc PwC nhận định.

Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 41 với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - Chiến lược tự xây hay đi thuê" sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng về kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (28/1/2018) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (29/1) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, Tạp chí điện tử TheLEADER (theleader.vn) là đơn vị đồng hành bảo trợ thông tin cho chương trình này.