Thị trường tài chính Đông Nam Á hưởng lợi từ bất ổn Triều Tiên

Lan Hương - 09:36, 16/08/2017

TheLEADERCác quốc gia ở Đông Nam Á trở thành nơi trú ẩn của thị trường khi căng thẳng Triều Tiên leo thang.

Thị trường tài chính Đông Nam Á hưởng lợi từ bất ổn Triều Tiên
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Tuần trước, khi tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ "trút giận" lên Bình Nhưỡng, các nền kinh tế Bắc Á đã phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hongkong lần lượt giảm 3,2% và 3,5% trong 3 ngày. Ngược lại, thị trường Indonesia, Thái Lan và Philipines phản ứng tương đối chậm.

Các thị trường ở Bắc Á luôn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi lời tuyên bố của tổng thống Donald Trump. Phản ứng này không chỉ do các nguy cơ địa chính trị mà vốn dĩ khu vực này đã luôn nhạy cảm hơn với các động thái của Mỹ. 

Dữ liệu giao dịch tính theo ngày trong 5 năm qua cho thấy tương quan biến động của chỉ số S&P 500 của Mỹ với thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Với mỗi điểm phần trăm giảm của chỉ số S&P 500, chỉ số Kospi của Hàn Quốc sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm.

Mối quan hệ ràng buộc

Các thị trường chứng khoán ở Bắc Á nhạy cảm hơn với các biến động của chỉ số S&P 500.

Tương quan giữa S&P 500 và các chỉ số chứng khoán Châu Á. Nguồn: Bloomberg.

Điều này có thể được giải thích rằng các nền kinh tế trong khu vực Bắc Á đang bị phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế toàn cầu. Trong khi các công ty niêm yết tại Indonesia, Philippines và Thái Lan chỉ tạo ra lần lượt 4%, 9% và 20% doanh thu của họ từ nước ngoài, con số này của các công ty ở Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt là 40% và 60%. 

Khoảng 13% và 21% hàng hóa và dịch vụ của các công ty tại Hàn Quốc và Đài Loan được phân phối cho thị trường Bắc Mỹ, do đó, khi nhu cầu ở Mỹ suy yếu, chỉ số chứng khoán Taiex Index của Đài Loan và Kospi của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Tài sản an toàn

Thị trường HongKong được cho là ở vị trí không ổn định nhất, do bị ảnh hưởng bởi cả thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải lại khác biệt một cách đáng ngạc nhiên khi tương quan với chỉ số S&P 500 chỉ 2%.

Trong 12 tháng qua, một điểm phần trăm tăng trong chỉ số S&P 500 sẽ làm chỉ số Hang Seng của HongKong tăng 0,48%. Nhưng nếu chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index giảm, các chỉ số tại thị trường HongKong sẽ giảm 0,52%, theo các phân tích hồi quy.

Có lẽ điều này giải thích vì sao Đông Nam Á và Ấn Độ lại là những thị trường đắt đỏ hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài, khi mua cổ phiếu của các thị trường châu Á mới nổi, hy vọng sẽ được tiếp cận với tầng lớp trung lưu đang phát triển ở khu vực này hơn là các công ty phụ thuộc chặt chẽ với nền kinh tế ở các khu vực khác. 

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý tiền gửi nên quan tâm hơn đến khu vực Đông Nam Á.