Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ giấc mơ EU

Thiên Hương - 00:00, 19/07/2017

Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan đã quay lưng lại với việc gia nhập Liên minh châu Âu, ít nhất cho tới nay, quan chức chính phủ cấp cao cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ giấc mơ EU

Quy trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không bị đóng băng một cách chính thức, nhưng các nhà lập pháp khối này đã kêu gọi ngừng đàm phán chính thức vào cuối tuần trước.

Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan đã quay lưng lại với việc gia nhập Liên minh châu Âu, ít nhất cho tới nay, quan chức chính phủ cấp cao cho hay. Thay vào đó, chỉ lĩnh vực hợp tác kinh tế mới được tiến hành nếu hai bên có thể khôi phục lại mối quan hệ thân thiện trước đây.

Sau nhiều năm bế tắc với nỗ lực gia nhập khối thương mại lớn nhất thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ, các chính phủ thuộc EU nói rằng quá trình này đã kết thúc.

"Tất cả đều rõ ràng rằng, hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi quan điểm đối với châu Âu", Johannes Hahn, người giám sát các hồ sơ xin gia nhập của EU cho biết.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao EU nhóm họp tại Malta, nơi Pháp và Đức đã nỗ lực để xem xét một thỏa thuận mới với Ankara dựa trên quan hệ thương mại và an ninh.

Quy trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ không bị đóng băng một cách chính thức, nhưng các nhà lập pháp khối này đã kêu gọi ngừng đàm phán chính thức vào cuối tuần trước, và một số nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về dân chủ để được coi là một ứng cử viên.

Ông Erdogan phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đứng đợi bên rìa châu Âu mãi và sẽ rời khỏi cuộc đàm phán gia nhập nếu những gì ông nói đã làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố và sự thù hằn từ một số quốc gia thành viên khác.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập EU vào năm 2005 sau nhiều thập niên nỗ lực để được chấp thuận là thành viên chính thức của EU, các cuộc thương lượng kết hợp với những cải cách kinh tế đầu tiên của ông Erdogan được thực hiện từ khi ông lên nắm giữ chức thủ tướng năm 2003.

Các quan chức EU nói rằng các cuộc cải cách của Thổ Nhĩ Kỳ để đạt đủ điều kiện gia nhập EU đã mang lại sự ổn định và thu hút đầu tư nước ngoài, làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nền kinh tế mới nổi quan trọng và lại có vị trí chiến lược nối giữa châu Âu và châu Á.

Liên minh châu Âu là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với Iraq, Syria và Nga ở Biển Đen.

Đổ lỗi cho ai?

Ông Hahn cho biết, ông sẽ trình bày một báo cáo vào đầu năm tới cho các chính phủ EU để làm rõ vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức ngoại giao cho biết các nước châu Âu không muốn làm phật lòng Ankara, vì họ bắt buộc phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm soát dòng người nhập cư đến châu Âu.

Tuy nhiên, ông Hahn nói rằng các giới hạn về quyền tự do báo chí và quyền công dân đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về dân chủ để trở thành thành viên của EU.

Ông Hahn nói rằng các quy tắc của EU là "không thể thương lượng được" và khối này sẽ không loại bỏ các quy tắc về nhân quyền khỏi các cuộc đàm phán.

Phần lớn 51,4% cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu vào hồi tháng 4 để trao cho tổng thống quyền lực mới nhằm tiến hành một cuộc đại tu chính trị lớn nhất của đất nước kể từ khi thành lập, giữa những cáo buộc phản đối về gian lận phiếu bầu.

Khi được hỏi liệu Liên minh Châu Âu có chịu trách nhiệm một phần đối với sự chuyển hướng của Thổ Nhĩ Kỳ sang một hệ thống tập trung hơn hay không, ông Hahn cho biết, động lực thay đổi đến từ trong nước.