Thoắt tăng thoắt giảm, tương lai Bitcoin sẽ trôi về đâu?

Đức Anh - 14:31, 01/03/2018

TheLEADERVụ tấn công lấy đi hơn 530 triệu USD, lệnh cấm quảng cáo trên Facebook, những quy định kiểm soát ngày càng trở nên ngặt nghèo khiến giá Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung rơi vào chuỗi ngày biến động lớn trong lịch sử, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của đồng tiền này.

Thoắt tăng thoắt giảm, tương lai Bitcoin sẽ trôi về đâu?
Tương lai nào cho Bitcoin sau thời kì hoàng kim? Ảnh: Twitter

Thời gian gần đây, thế giới tiền ảo đã phải trải qua những "cú đánh" mạnh mẽ.

Ngày 26/1 vừa qua, tin tặc lấy đi hơn 530 triệu USD giá trị đồng NEM từ sàn giao dịch Coincheck. Hậu quả là cả thị trường tiền ảo rớt giá và càng cho thấy rõ tính dễ tổn thương và biến động mạnh của các đồng tiền này.

Cuộc tấn công này là vụ trộm cắp liên quan đến tiền kỹ thuật số lớn nhất trong lịch sử, vượt qua con số 480 triệu USD của sàn giao dịch Mt.Gox năm 2014.

Sau sự cố Mt.Gox đình đám, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều quy định cũng như yêu cầu các sàn giao dịch trong nước phải được cấp giấy phép từ cơ quan chính phủ.

Vụ đánh cắp từ Coincheck một lần nữa kéo các nhà quản lý lại gần thị trường tiền ảo khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Taro Aso thừa nhận rằng chính phủ nước này cần tăng cường sự giám sát hơn nữa.

Theo ông, Coincheck đã không lưu trữ những thứ quan trọng riêng biệt và thiếu đi nền tảng cơ bản.

Không chỉ tại Trung Quốc, Hàn Quốc mà sự kìm kẹp từ các nhà quản lý còn diễn ra cả ở Nga khi giữa tháng trước, nước này đã soạn thảo một dự luật về việc kiểm soát các địa điểm sản xuất và tạo ra tiền kỹ thuật số.

Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính, ông Arun Jaitley cho biết chính phủ tại đây không xem các đồng tiền ảo là một phương thức đấu thầu hợp pháp cũng như sẽ thực hiện tất cả các biện pháp nhằm loại bỏ việc sử dụng loại tiền này trong hệ thống thanh toán và tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích và quan sát, những khuôn khổ hiện tại quá lỏng lẻo, khiến các nhà đầu tư dễ bị tổn thương không chỉ từ việc biến động giá cả của thị trường mà còn từ nguy cơ tội phạm mạng.

Không dừng ở cấp độ quốc gia, những quy định kiểm soát tiền ảo còn được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khi Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Philip Hammond kêu gọi chính phủ các nước cần phải cẩn trọng trước thị trường này.

Theo ông, "chúng ta nên nhìn vào cách điều chỉnh hệ sinh thái này trước khi một lượng lớn Bitcoin ngày càng trở nên nổi bật và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế toàn cầu".

Gã khổng lồ Facebook sau đó đã thực hiện hành động bằng việc ra lệnh cấm tất cả quảng cáo liên quan đến tiền ảo trong nỗ lực chống gian lận của mình.

Tất cả những động thái trên đã cùng khiến Bitcoin rớt giá thảm hại, rơi vào một trong những đợt bán tháo lớn nhất lịch sử của đồng tiền này. Trong vòng khoảng hai tháng, từ mức kỉ lục gần 20.000 USD, Bitcoin đã mất tới hơn 67% giá trị.

Thế nhưng bất chấp những tiêu cực ngày càng tăng lên cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, sự nhiệt thành của những người hâm mộ đối với các đồng tiền ảo dường như không hề suy giảm.

BitFlyer, một trong những sàn giao dịch lớn nhất Nhật Bản cho biết sự quan tâm đã ngày càng tăng lên thông qua số lượng tài khoản ứng dụng mới sau khi vụ tấn công Coincheck được tiết lộ.

Theo nhiều dự báo, giá Bitcoin sẽ dịch chuyển chủ yếu trong khoảng từ 10.000 USD tới 15.000 USD cho tới khi nhiều nhà đầu tư từ thị trường truyền thống tham gia vào cuộc chơi.

Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp tiền ảo đánh giá dù một số đồng tiền kỹ thuật số có thể biến mất, nhiều đồng tiền khác sẽ nổi lên thay thế và không gì có thể ngăn cản công nghệ đằng sau các đồng tiền này.

Theo luật sư Ken Kawai, một chuyên gia về quy chế tài chính và công nghệ blockchain, những ý tưởng mới đang ngày càng nổi lên nhưng đi cùng với đó là các vụ tấn công. Do vậy, những người lựa chọn sử dụng công nghệ này phải nhận thức được những nguy hiểm liên quan và người dùng phải trở nên chọn lọc hơn khi lựa chọn sàn giao dịch.

Nhằm đảm bảo sự an toàn cho khách hàng cũng như cải tiến sử dụng công nghệ, các sàn giao dịch nên đối mặt với các cơ chế nghiêm khắc hơn ngân hàng hay môi giới.

Ngân hàng và công ty thương mại điện tử có thể lựa chọn sử dụng những đồng tiền ảo ổn định nhất trong khi những đồng còn lại có thể được giao dịch như một loại tài sản thay thế.

Với sự quan tâm ngày càng lớn từ giới đầu tư, các nhà quản lý hoàn toàn có thể đưa ra sự kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc yêu cầu các sàn giao dịch xác minh danh tính khách hàng trước khi tiến hành trao đổi.

Không chỉ vậy, việc kiểm toán mạng từ bên ngoài có khả năng sẽ được tiến hành nhằm chống lại lỗ hổng bảo mật, tránh gây ra những vụ việc Coincheck tiếp theo.