Thông qua chương trình nghị sự hơn 540 triệu USD cho Tiểu vùng Mekong mở rộng

Kim Ngân - 11:16, 02/02/2018

TheLEADERChương trình sẽ tập trung đầu tư vào quản lý sử dụng đất, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và cơ sở hạ tầng nông thôn thích ứng khí hậu.

Thông qua chương trình nghị sự hơn 540 triệu USD cho Tiểu vùng Mekong mở rộng
Vấn đề môi trường ngày càng trở nên quan trọng tại GMS, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu mạnh mẽ. Ảnh: ADB

Mới đây, chương trình môi trường trọng điểm (CEP) và kế hoạch hành động giai đoạn 2018 – 2022 với trị giá hơn 540 triệu USD đã được các bộ trưởng môi trường 6 quốc gia khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) thông qua.

Được bắt đầu từ năm 2006 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, chương trình này đã bước vào giai đoạn thứ ba với hơn 100 triệu USD vốn tài trợ bổ sung, trong đó 98 triệu USD sẽ được sử dụng cho đa dạng và bảo tồn sinh học.

Ông Ramesh Subramaniam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB đánh giá CEP là sáng kiến môi trường tốt nhất của GMS và đồng thời cam kết sẽ tiếp tục triển khai những hành động chủ chốt để đạt được sự phát triển đồng đều và bền vững tại khu vực GMS.

Theo ông Surasak Karnjanarat, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, CEP là công cụ hữu ích để xây dựng lòng tin và sự hiểu biết giữa các quốc gia GMS đối với những nỗ lực về môi trường.

Ngoài mục đích đầu tư vào việc quản lý sử dụng đất, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và cơ sở hạ tầng nông thôn thích ứng khí hậu, chương trình nghị sự cũng sẽ mở đường cho một quỹ chuẩn bị dự án mới, giúp các quốc gia GMS bù đắp sự thiếu hụt vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, diễn đàn công nghệ xanh cũng sẽ được thành lập nhằm kết nối các nhà cung cấp công nghệ với bên ứng dụng, tập trung vào công nghệ quản lý chất thải, năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, và quản lý rủi ro thảm họa.

Các quốc gia GMS bao gồm Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (cụ thể là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.