Thu phí ô tô vào trung tâm: Quận 7 ra sân bay đường nào?

TS. Trương Hoàng Trương - 15:22, 18/10/2017

TheLEADERViệc triển khai thu phí ô tô vào trung tâm cần phải có lộ trình hợp lý, cái cần ưu tiên là phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống bãi đỗ xe phù hợp.

Thu phí ô tô vào trung tâm: Quận 7 ra sân bay đường nào?
Cầu Khánh Hội nối quận 4 với quận 1. Ảnh: sgotours.vn

Tình trạng xe ô tô tập trung quá đông vào trung tâm thành phố không chỉ là vấn nạn ở ta. Các thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh)… vào giờ cao điểm đều bị quá tải xe ô tô.

Có sự chọn lựa cho người dân

Tại các trung tâm thương mại lớn tầm cỡ thế giới, cao ốc văn phòng, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch tham quan… đa số tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Đó là nguyên nhân dẫn đến khu trung tâm bị quá tải.

Xét ở góc độ hạ tầng kỹ thuật đô thị thì ở các thành phố này có một hệ thống vận tải công cộng hoàn hảo từ xe bus, xe điện trên mặt đất tramway, đến metro… Do đó, một lượng lớn xe cá nhân di chuyển vào trung tâm thành phố đã được hạn chế tối đa.

Các thành phố kể trên không thiết lập các trạm thu phí và người lái xe ô tô không phải trả phí khi vào khu vực trung tâm thành phố. Cách mà họ làm đơn giản là nếu anh vào trung tâm thành phố thì tiền phí tính qua việc anh gửi xe là chính. Ở đó, có rất nhiều bãi xe công cộng dưới lòng đất, trên mặt đất được quy hoạch và quản lý hoàn toàn tự động, được tính theo giờ và điều tự nhiên là mỗi người đỗ xe phải tính toán làm thế nào mình đỗ xe ở khu vực trung tâm với thời gian ngắn nhất. Do đó, người dân sẽ tự ý thức hơn và cân nhắc là sẽ vào trung tâm bằng xe ô tô hay dùng phương tiện công cộng.

Đặc biệt, họ chú ý đến việc xây dựng các bãi đỗ xe. Các bãi đỗ xe thường được xây dựng ở khu vực ngoài vành đai của đô thị nhằm khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng vào thành phố. Phí đỗ xe ở các bãi này thường rẻ hơn nhiều so với khu vực trung và dĩ nhiên đảm bảo tính kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Kẹt đâu “xử” đó, dân đi bằng gì?

Hệ thống giao thông ở đô thị nói chung và TP.HCM là liên hoàn với nhau, các khu chức năng đan cài nhau không phải là chuyên biệt trong đô thị. Trong khi đó, nếu trường hợp người lái xe ô tô ở quận 4 hoặc quận 7 muốn đi sân bay thì đi đường nào? Theo lộ trình thì đi qua quận 1, có nghĩa là đi qua trung tâm thì người lái xe phải trả phí? Vậy, giờ muốn không trả phí thì “né” bằng cách đi vòng qua hướng quận 2, hoặc quận 5, quận 6 để đi? Nếu vậy thì những tuyến đường này sẽ kẹt xe thêm… chưa nói là lộ trình dài hơn, tốn xăng nhiều hơn, mất thời gian nhiều hơn…

Có nhiều bài toán cần phải tính trong câu chuyện này, việc triển khai cần phải có lộ trình hợp lý hơn, chẳng hạn như phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống bãi đỗ xe phù hợp, bố trí khoa học. Nếu cứ kẹt đâu “xử” đó thì dân đi bằng gì! Kẹt xe khu trung tâm thành phố hiện nay còn do nhiều nguyên nhân khác như quy hoạch đô thị, đường sá và nhất là việc lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán trên vỉa hè…

Giao thông công cộng thiếu: Việc cần chuẩn bị khi muốn thu phí là hệ thống phương tiện công cộng. Hệ thống xe công cộng ở TP.HCM hiện tại chỉ có xe buýt trong khi việc đi lại bằng xe buýt chưa tiện dụng, người dân ít chọn. Các phương tiện khác như metro thì đang kỳ vọng ở tương lai…

Bãi đỗ xe: Hiện khu vực trung tâm chưa có bãi đậu xe ô tô nào để người dân đi vào và an tâm gửi. Tính đến hiện nay, dự án các bãi xe ô tô công cộng ở khu vực Nhà hát TP.HCM, Công viên Lê Văn Tám, hay khu rạp Trống Đồng trên đường Cách mạng Tháng Tám… xem như không thực hiện được. Bây giờ nếu vào trung tâm thì đậu xe ở các khu vực được phép với mức phí 20.000 đồng/lượt mà đôi khi người đi ô tô phải trả cao hơn. Đậu xe ở các trung tâm thương mại thì phải trả phí theo giờ hoặc các bãi xe tư nhân khác và như vậy thì việc dùng tiền gửi xe thu được để tái đầu tư là không có.

(*) TS. Trương Hoàng Trương, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.