Thu phí ô tô vào trung tâm sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư

Trâm Anh - 08:17, 13/12/2017

TheLEADERĐối với đề án thu phí ô tô, TP.HCM đang xây rào chắn bao quanh thành phố. Các chuyên gia vẫn nhận định dự án này không khả thi.

Thu phí ô tô vào trung tâm sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư
Hội nghị phản biện góp ý, đề xuất đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông. Ảnh: Tr.A

Bên hành lang kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khoá IX, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thành phố sẽ không thực hiện đề án thu phí ô tô vào trung tâm.

Theo ông Tuyến, TP.HCM phải cân nhắc kỹ. Thu phí ô tô vào trung tâm chưa biết được bao nhiêu nhưng chắc chắn việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển của thành phố.

Đơn vị tư vấn: Ô tô con sẽ giảm 49%

Tuy nhiên, tại Hội nghị phản biện, góp ý dự án Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 12/12, ông Vũ Văn Tuấn, đại diện Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (đơn vị tư vấn) cho rằng, khi triển khai thu phí, số lượng chuyến đi xử dụng xe ô tô con sẽ giảm khoảng 49%, lượng xe khách, xe tải di chuyển trong khu vực nội đô giảm 7,5% và thị phần vận tải hành khách công cộng tăng 8%, vận tốc lưu thông tăng 10,3 %.

Theo ông Tuấn, hệ thống này gồm 34 cổng thu phí, một trung tâm điều hành kết nối các cổng thu phí. Giải pháp thu phí sẽ sử dụng công nghệ thu phí đa làn không dừng RFID (công nghệ chính thu phí) kết hợp công nghệ ANPR (công nghệ hỗ trợ sử lý vi phạm).

Ông Tuấn cũng cho biết, quy trình thu phí, cung cấp bộ kích hoạt tài khoản (trong đó có thẻ RFID) cho tài xế, chủ phương tiện đăng ký lấn đầu tại 23 điểm ở các trạm xăng dầu Petrolimex và Comeco, 34 điểm trước trạm thu phí, 7 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới…

“Khi xe đi qua cổng thu phí, hệ thống sẽ tự đồng trừ tiền trong tài khoản và thông báo tin nhắn cho tài xế. Đối với xe vãng lai, có thể trả phí cho từng lần đi vào trung tâm thành phố thông qua việc mua thẻ cào tại các điểm dịch vụ trên hoặc thanh toán online trước chuyến đi”, ông Tuấn cho hay.

Về mức phí, đơn vị tư vấn đề xuất mức phí từ 30.000 – 50.000 đồng. Cụ thể, 30.000 đồng cho taxi; 40.000 đồng đối với ô tô con, xe vận chuyển khách hợp đồng dưới 9 chỗ; 50.000 đồng đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định và xe vận chuyển khách du lịch.

Các xe ô tô cá nhân có biển số đăng ký tại khu vực trung tâm thành phố sẽ áp dụng mức phí thấp hơn 25%, bằng mức phí xe taxi. Dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ năm 2020.

Về thời gian thu phí, chỉ thu trong giờ cao điểm từ 6 giờ - 9 giờ và 16 giờ - 19 giờ. 

Các chuyên gia: Người dân đã chịu nhiều phí rồi

Các chuyên gia tham dự hội nghị vẫn nhận định dự án này không khả thi. Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh nói: “Muốn chống ùn tắc, phải tổ chức xã hội, tổ chức việc đi lại cho dân. Có lệnh cho phép những loại xe nào được vào thành phố, xe lực lượng chức năng, cứu thương, cứu hỏa, du lịch… Đồng thời, bố trí lực lượng taxi nhỏ vào thành phố phục vụ nhu cầu đi lại”.

Luật sư Trương Thị Hòa nhận định, cần tránh phí chồng phí, tránh trường hợp người dân vừa đóng phí đường bộ vừa đóng phí ùn tắc giao thông. Tại sao cứ tăng dần thu bội chi trong khi hiện nay người dân đã đóng nhiều phí.

Bên cạnh đó, đề án tập trung thu tại khu vực quận 1, quận 3 như vậy không khách quan và hiệu quả. Ở một số nước, để giải quyết ùn tắc giao thông có nhiều biện pháp đồng bộ. Còn riêng đề này náy không đề cập giải pháp đồng bộ.

Chuyên gia Hà Ngọc Tường cho hay: “Để đề án khả thi, cần đảm bảo tính đồng bộ trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông và tăng vận tải hành khách công cộng, giảm xe cá nhân.

Sở Giao thông Vận tải đã ký hợp đồng với Viện chiến lược Bộ Giao thông Vận tải . Vì thế, tính đồng bộ của đề án phải được thực thi cùng với đề án viện chiến lược đang đề xuất. Trong đề án của viện chiến lược có nhiều vấn đề, không chỉ có thu phí mà còn liên quan xe cá nhân, xe máy, hộ thống xe buýt hiện đại, phải tăng cường vận tải hành khách công cộng thì mới thực hiện giải pháp tiếp theo.

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM khẳng định: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi sẽ có thêm nhiều giải pháp để tạo thêm sự đồng thuận, chẳng hạn phối hợp với địa phương, phát phiếu điều tra xã hội học, phiếu thăm dò… để làm sao đề án này được hoàn thiện nhất”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM Vũ Thanh Lưu cũng yêu cầu những vấn đề chuyên gia phát biểu, đặc biệt là đề xuất, trong đó có kiến nghị về sự đồng thuận của lãnh đạo, người dân… thì các sở, ngành cần tiếp thu.

“Thành phố cần tìm giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc giao thông. Đi đâu làm gì cứ ra đường là thấy ùn tắc, tốn thời gian, chi phí xã hội, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn. bốn nhóm vấn đề, cơ sở pháp lý và các dữ liệu dự báo. Kinh phí đầu tư, lệ phí sử dụng, tính hiệu quả, khả thi và kiến nghị”, ông Lưu cho hay.