Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Bốn lý do phải dừng 'hồi sinh' mỏ sắt Thạch Khê

An Chi - 07:00, 31/08/2017

TheLEADERBộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê xuất phát từ bốn quan ngại: Năng lực nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt, giao thông vận tải.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Bốn lý do phải dừng 'hồi sinh' mỏ sắt Thạch Khê
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê xuất phát từ 4 quan ngại: Năng lực nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt, giao thông vận tải.

Theo Thứ trưởng Đông, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và đầu tư dựa trên sự cân nhắc tính toán rất kỹ lưỡng. 

"Tôi trực tiếp được nghe bộ trưởng nói một lần về vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không những chỉ nghe báo cáo, xem tài liệu mà trực tiếp đã đi thị sát và thấy quan ngại. Từ đấy chúng tôi đã có đề xuất như vậy", Thứ trưởng Đặng Huy Đông chia sẻ.

Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ những khóa trước từ cách đây chục năm rồi. Trữ lượng quặng sắt 500 triệu tấn là rất lớn, là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta. Có thể nói rằng Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã có những chi phí cho vấn đề đầu tư nghiên cứu lập dự án. Hôm nay, chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì không có cơ sở.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan điểm của Thủ tướng đây là vấn đề phải có đánh giá, căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào; cần có một cơ quan đánh giá một cách độc lập. 

Các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật, kinh tế, môi trường đánh giá kỹ việc này sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, lúc đó sẽ quyết định. "Tinh thần là chúng ta phải khách quan, trên cơ sở khoa học", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trước đó, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2008 với mức đầu tư hơn 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 3.898 ha. Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh lại, với mức đầu tư hơn 14.517 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 4.821 ha.

Báo cáo giải trình của Công ty CP Sắt Thạch Khê cho biết, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn 544 triệu tấn, chiếm gần 60% trữ lượng của cả nước, quặng có hàm lượng sắt cao, hệ số bóc thấp (1,76m3/tấn) sẽ làm giảm giá thành sản xuất. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 9,5 năm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhận định, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của Công ty CP Sắt Thạch Khê còn nhiều nội dung chưa hợp lý. Nếu đi vào hoạt động khai thác, dự án sẽ dẫn đến những tác động vô cùng to lớn đến môi trường tự nhiên như tạo ra các bãi đổ đất đá thải mỏ lớn nhất Việt Nam, nguy cơ sa mạc hóa cả một vùng diện tích rộng lớn ven biển Thạch Hà, suy thoái nguồn nước ngọt... ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân...

TS. Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: "Tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê, nếu để xảy ra sự cố, chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn vụ Formosa rất nhiều lần". Theo ông Hào, nếu Formosa gây sự cố môi trường nghiêm trọng là do con người không thực hiện đúng quy trình thì tại mỏ sắt Thạch Khê sẽ là vừa do con người vừa do "ông trời" - thiên tai, bão lũ khắc nghiệt..., con người không thể tính toán hết được.

Theo khuyến nghị của các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và chủ đầu tư cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ trước khi quyết định tái khởi động dự án này. Bởi những tác động của nó sau khi đi vào hoạt động đối với môi trường là rất nghiêm trọng.