Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: Hãng Phim truyện Việt Nam là một di sản, dứt khoát phải gìn giữ

Phương Liên - 15:25, 21/09/2017

Mặc dù có tên khác là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam nhưng thực chất vẫn chính là Hãng Phim truyện Việt Nam. Đây là một di sản mà chúng ta đều phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển bằng hình thức thích hợp.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: Hãng Phim truyện Việt Nam là một di sản, dứt khoát phải gìn giữ
Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái. Ảnh: VGP/Phương Liên

Sáng 21/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về câu chuyện giữa nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam và chủ đầu tư trong thời gian vừa qua và trách nhiệm của Bộ trong việc giải quyết các mâu thuẫn?

Hãng Phim truyện Việt Nam là hãng phim “đầu đàn” của điện ảnh Việt Nam, hình thành và phát triển đã gần 60 năm. Hãng là “cái nôi” của rất nhiều các nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, đã sản xuất ra hàng trăm bộ phim kinh điển. 

Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đánh giá rất cao quá trình phát triển của Hãng Phim truyện Việt Nam, đã và đang tìm mọi cách để giữ gìn và phát huy thương hiệu này, coi đây là một di sản của ngành văn hóa. “Sự việc xảy ra trong thời gian vừa qua là rất đáng tiếc nhưng dù sao chúng ta cũng phải giải quyết ngay những vấn đề trước mắt và lâu dài”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là các doanh nghiệp được cổ phần hóa. Bắt đầu từ năm 2006, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã bàn bạc và thấy rằng Hãng Phim truyện Việt Nam có nhiều đặc thù riêng nên chưa thực hiện cổ phần hóa như những đơn vị khác. Đến năm 2010, theo chủ trương chung, bộ chuyển Hãng phim thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam. Tiếp đó, thời kỳ khủng hoảng kéo dài và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch mặc dù bàn bạc nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm ra phương án phù hợp cho hãng phim.

Sau đó, Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa trong cả nước, trong đó có Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vào giai đoạn 2013-2015. Bộ Văn hóa thể thao và du lịch lúc đó tập trung cổ phần hóa các đơn vị khác trước, Hãng phim vẫn còn khó khăn nên tiến hành cổ phần hóa cuối cùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Đại hội cổ đông lần thứ nhất của Hãng Phim truyện Việt Nam diễn ra vào 23/6 vừa qua, theo trình tự phải sau 1 năm mới chính thức chuyển sang Công ty cổ phần.

“Trong những giai đoạn vừa qua, chúng tôi nhận thấy các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của hãng phim bức xúc nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về lương, chính sách, cách làm việc… Chiều qua, 20/9, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã có buổi làm việc với đại diện nhà đầu tư Hãng Phim truyện Việt Nam và các thành viên trong Hội đồng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng các đơn vị đã chưa làm tốt các việc để chuyển sang công ty cổ phần, còn nhiều lúng túng”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành sau cổ phần hóa tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Nhà đầu tư cũng đã cam kết chỉnh sửa xung quanh quy chế làm việc, cách làm việc, tính toán lại lương cho cán bộ, nghệ sĩ. Trước mắt, phải lập tức trả lương đầy đủ như trước khi chuyển sang công ty cổ phần trong ba tháng vừa qua.

“Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị phải kiểm soát đúng điều lệ của công ty cổ phần. Khi phê duyệt phương án cổ phần hóa hãng phim, bộ đã quyết định giữ vững nhiệm vụ chính là sản xuất phim là chính. Làm sao để thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn bền vững. Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết với bộ thông qua điều lệ đã được đưa ra tại Đại hội cổ đông lần đầu tiên”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

Sắp tới, bộ sẽ kiểm soát và nếu nhà đầu tư chiến lược làm sai sẽ bị xử lý. Ví dụ, với vị trí ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội, được dùng để làm phim, chiếu phim, nếu sử dụng với mục đích khác không đúng cam kết thì Bộ Văn hóa thể thao và du lịch sẽ đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi đất, hoặc phạt và rút giấy phép xây dựng. “Thậm chí chúng tôi sẽ đưa ra tòa để xử lý”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Thứ trưởng tiếp tục chia sẻ rằng: Bộ sẽ thực hiện mọi công việc này nhưng đồng thời cán bộ, nhân viên của hãng phim cùng với các nghệ sĩ hãy cũng với Bộ giám sát thực hiện những cam kết đó. Chúng tôi cũng rất thông cảm với anh em nghệ sĩ có nhiều bức xúc. Mong rằng các nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng phim cố gắng bắt tay nhau. Chúng ta thực hiện tốt những cam kết giữa hai bên, thực hiện tốt nghị quyết của đại hội cổ đông. Trong đó, tập trung vào sản xuất, nâng cao đời sống của nghệ sĩ, giữ vững thương hiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam. Mặc dù có tên khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam nhưng vẫn chính là Hãng Phim truyện Việt Nam. Đây là một di sản mà chúng ta đều phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển bằng hình thức thích hợp.

Mới hai tháng vừa qua, chúng ta chưa thể đánh giá được nhưng dù sao những sơ suất ban đầu thì nhà đầu tư phải nhận khuyết điểm. Bộ chỉ mong muốn các nghệ sĩ bắt tay để cố gắng làm sao trong năm nay sản xuất được 1 bộ phim nhựa theo đặt hàng của Bộ, rồi năm 2018 sản xuất 2 phim, 2019 là 4 phim.

"Mong rằng hãng phim và các nhà đầu tư cùng nhau cố gắng. Bộ dứt khoát dùng mọi biện pháp để kiểm soát nhà đầu tư hãng phim thực hiện đúng cam kết". Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.