Thủ tướng chỉ đạo không xây dựng nhà máy thép tại Thạch Khê

Thu Phương - 15:28, 22/09/2017

TheLEADERĐối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo nghiên cứu khả năng cung cấp nguyên liệu cho Formosa Hà Tĩnh, không xây dựng nhà máy thép ở đây.

Thủ tướng chỉ đạo không xây dựng nhà máy thép tại Thạch Khê
Sau 9 năm dậm chân tại chỗ, mỏ sắt Thạch khê giống như một bãi sa mạc hoang. Ảnh: Vietnammoi

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh ngày 24/7. Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, định hướng phát triển trong thời gian tới và một số kiến nghị, đề xuất.

Theo đó, đối với kiến nghị dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê của tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu kỹ dự án, khẩn trương đề xuất các phương án phù hợp đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 05/10/2017. Đồng thời, nghiên cứu cả khả năng cung cấp nguyên liệu cho Formosa Hà Tĩnh. Không xây dựng nhà máy thép ở đây.

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải từ trước đó, liên quan đến việc tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhiều nhà khoa học đã tỏ ra lo ngại về hệ lụy ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây ra từ dự án này.

Theo đó, GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho rằng, hiệu quả kinh tế của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa rõ ràng, trong khi đó lại để lại những hậu quả môi trường và xã hội rất nghiêm trọng như: Tạo ra các bãi đổ đất đá thải mỏ lớn nhất Việt Nam ở vùng ven biển Hà Tĩnh; Vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ; Nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển huyện Thạch Hà; Cuộc sống của hàng vạn người dân khi di dời tái định cư và các vấn đề xã hội khác.

Đối với khu vực mỏ sắt Thạch Khê, khi bơm hút tháo khô mỏ, mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, nước biển xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát, dẫn đến đất đai ở đây sẽ dần bị nhiễm mặn. Do vậy, thảm thực vật tự nhiên như sim, mua, đặc biệt là cây tràm gió sẽ tàn lụi dần. Các cây trồng nông nghiệp cũng không phát triển được vì đất đai bị khô hạn và nhiễm mặn.

"Hệ sinh thái mong manh vốn có trên cồn cát, nhưng giữ vai trò rất quan trong trong việc chống lại hiện tượng cát bay, cát chảy sẽ mất đi và cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng sa mạc hóa thực sự", GS. TSKH Đặng Trung Thuận nhấn mạnh.