Thủ tướng: 'Dẹp ngay tình trạng ngâm hồ sơ, quân xanh, quân đỏ trong đầu tư xây dựng'

An Chi - 08:05, 21/04/2018

TheLEADERThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc cần dẹp ngay tình trạng có 300 lạng việc này mới xong, quân xanh, quân đỏ, ngâm hồ sơ làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng.

Thủ tướng: 'Dẹp ngay tình trạng ngâm hồ sơ, quân xanh, quân đỏ trong đầu tư xây dựng'

Nan giải thực trạng tham nhũng trong đầu tư xây dựng

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, năm 2016, cả nước có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán, chiếm trên 14% dự án hoàn thành. Trong đó, hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của thực trạng này là do những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng chính là nguyên nhân của thực trạng nan giải trong đầu tư xây dựng như trong thời gian vừa qua.

"Cần dẹp ngay tình trạng ngâm hồ sơ, quân xanh, quân đỏ trong đầu tư xây dựng"
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Cụ thể, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đến thời điểm hiện tại, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.

Bên cạnh đó, nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng, pháp luật về hợp đồng xây dựng.

Công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước còn chậm do quy định về tham gia nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển khu đô thị của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chưa đầy đủ, chưa rõ.

Báo cáo về những bất cập về thể chế, quy định pháp luật, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đề cập, trên thực tế, nhiều dự án thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh bị tăng tổng mức đầu tư từ dự án nhóm C lên dự án nhóm B, từ nhóm C lên nhóm A hoặc từ nhóm B lên nhóm A. 

Theo quy định hiện hành, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ban đầu cũng là cấp quyết định điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên có thể dẫn tới gây thất thoát trong quản lý đầu tư công.

Thời gian chuẩn bị đầu tư tính đến thời điểm khởi công của dự án sử dụng vốn công thường kéo dài, trung bình khoảng 42 tháng đối với dự án nhóm A, 29 tháng đối với dự án nhóm B, 23 tháng đối với dự án nhóm C do các dự án sử dụng vốn còn chịu sự điều tiết của nhiều quy định, thủ tục tại nhiều luật khác nhau.

Quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, thiết kế cơ sở các dự án ODA hiện cũng nằm rải trong nhiều luật và chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu rõ khâu thường bị kéo dài nhất là thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường.

Về vấn đề những vướng mắc trong đầu tư xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, công tác quản lý sau quy hoạch chung được duyệt đang thực hiện chậm, không đồng bộ. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt thấp (35%) dẫn đến cơ chế xin cho tùy tiện trong cấp phép và quy hoạch luôn bị điều chỉnh. 

Việc cấp phép các dự án tràn lan, sử dụng đất đô thị cho các dự án nhà ở không phù hợp với khả năng kinh tế xã hội và dự báo phát triển dân số. Quản lý sử dụng đất đô thị nhiều bất cập khi công trình không phép, trái phép diễn ra phổ biến, trên diện rộng.

Ông Hùng nhấn mạnh, tại khoản 3 cho phép HĐND, UBND tỉnh được thu hồi đất dẫn đến tình trạng xin cho dự án dẫn đến các dự án nhà máy, trường học sau khi di dời định giá thấp, trong khi doanh nghiệp bán ra thị trường với giá cao. 

Do đó, việc quyết định sử dụng đất làm dự án trong thời gian qua đã nảy sinh tình trạng tham ô tham nhũng thông qua việc đầu tư xây dựng, vị lãnh đạo này cho hay, 

Cần dẹp ngay tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong"

Nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà trong đầu tư xây dựng, Thủ tướng nêu rõ, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng, đồng thời cần dẹp ngay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “ngâm” hồ sơ, hay tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong".

Thủ tướng nhấn mạnh việc cần quản lý đầu tư công chặt chẽ, đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, là yêu cầu đối với tất cả cán bộ, công chức.

Cho rằng cần lo việc gỡ vướng về thể chế, Thủ tướng nêu thực trạng, hệ thống thể chế chính sách, pháp luật còn chồng chéo với nhiều luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức. Bên cạnh đó là sự phức tạp với hơn 45 thủ tục khác nhau trong khâu chuẩn bị đầu mục dự án đưa vào sử dụng, rồi sự không thống nhất giữa các bộ luật. 

Thực trạng nữa là tính kỷ luật hành chính còn lỏng lẻo như không thực hiện đúng quy chế làm việc của Chính phủ, không thực hiện đúng chức năng thẩm định, đùn đẩy, tránh né trách nhiệm, người dân, doanh nghiệp vướng mắc không được bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện. Thậm chí, còn tình trạng “ngâm” hồ sơ rất lâu, nhất là đối với dự án đô thị, dự án xây dựng, dự án bất động sản.

“Ai ngâm lâu hồ sơ, đúng quy chế kỷ luật thì phải xử lý. Ta chống cái làm chậm, ngâm lâu, phải yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, trái pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng còn nhắc đến tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu đều có hình bóng của tiêu cực. “Không để tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”. Do đó, vấn đề công khai minh bạch trong đầu tư xây dựng rất quan trọng.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo dẹp bỏ ngay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tình trạng chọn nhà thầu tùy tiện, “đất mà tự giao nhà đầu tư làm thì thất thoát lớn”. 

Thủ tướng yêu cầu: "Không được bán chỉ định nhà thầu, tài sản đất đai phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước. Chúng ta bị thất thoát trong vấn đề này rất lớn, cần phải chấn chỉnh”.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng nêu rõ, đối với các thể chế pháp luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì nghiên cứu, sớm trình Quốc hội. Đối với các nghị định, thông tư, những quy định do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành thì cần sửa ngay, để tạo điều kiện cho phát triển. Nhất là sửa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của tất cả cán bộ, công chức.