Thủ tướng: Hội nhập quốc tế là động lực cải cách kinh tế

Đặng Hoa - 10:59, 20/12/2017

TheLEADERChính phủ kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thủ tướng: Hội nhập quốc tế là động lực cải cách kinh tế
Cán cân thương mại đã dần cải thiện sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 sáng nay với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”.

Diễn đàn được tổ chức vào dịp tròn 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), một sự kiện được Thủ tướng đánh giá là Việt Nam không còn ở trong giai đoạn mở cửa mà đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện.

Bên cạnh việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã chủ động đàm phán, tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết tiêu chuẩn cao.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra một loạt những dẫn chứng về tác động của quá trình thực thi cam kết WTO cũng như đàm phán, thực hiện các FTA mới đến cải cách thể chế và nền kinh tế.

Trong một thập kỷ qua, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 16,6%/năm, riêng trong 11 tháng đầu năm 2017 gấp 4 lần năm 2007. Cán cân thương mại hàng hoá cải thiện đáng kể, với tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm từ 20% năm 2007-2008 xuống 8,2% năm 2011 sang thặng dư 0,1-0,2% từ 2012-2017.

Một trong những thay đổi nổi bật là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh sau khi gia nhập WTO. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký từ 2007 đến nay đạt 294 tỷ USD, gấp 3,8 lần so với trước giai đoạn WTO.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm cho hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia và của các doanh nghiệp được nâng lên, mở rộng thị trường, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, trí thức, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hội nhập cũng bộc lộ những điểm yếu, bất cập của nền kinh tế như đổi mới chưa bắt kịp với hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA và của các doanh nghiệp còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả.

Tại diễn đàn, Thủ tướng khẳng định, mặc dù tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Chính phủ vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế từng bước vươn lên.