Tiến sĩ Harvard bật mí 4 cách ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế doanh nghiệp

Quỳnh Như - 16:57, 23/03/2018

TheLEADERCách mạng công nghiệp 4.0 đang là từ khóa hot trong khoảng 2 năm nay nhưng để ứng dụng chúng vào công việc kinh doanh như thế nào thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá mông lung.

Tiến sĩ Harvard bật mí 4 cách ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế doanh nghiệp
Ông Phan Quang Tuấn, tiến sỹ Đại học Harvard, hiện là giảng viên trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2016, 20% số các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) được lãnh đạo bởi các doanh nhân nữ, chủ yếu tập trung ở ngành dệt may, may mặc, xử lý thực phẩm. 

Thống kê của Bloomberg năm 2017 cũng cho thấy 25% CEO hoặc thành viên hội đồng quản trị các công ty tại Việt Nam là phụ nữ.

Chia sẻ tại diễn đàn ''Cánh mạng công nghiệp 4.0 – vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội" do Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. HCM vừa tổ chức, nhiều nữ doanh nhân cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau và do đặc thù tâm lý ngại mạo hiểm, dù tất cả lãnh đạo nữ không ít lần nghe tới cụm từ 'cách mạng công nghiệp 4.0', nhưng họ vẫn băn khoăn không biết có nên đi theo hay không và nếu áp dụng thì sẽ phải làm như thế nào? 

"Câu hỏi theo hay không theo theo là quá thừa thãi. Đơn giản là chúng ta chắc chắn phải gia nhập cuộc chơi, nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải", ông Phan Quang Tuấn, tiến sĩ Đại học Harvard, hiện là giảng viên trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chuyên ngành dữ liệu lớn (Big data) nói. 

Theo ông Tuấn, vấn đề nghi ngại ở đây chỉ là chúng ta nên sử dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào công việc kinh doanh của mình như thế nào cho hữu ích.

"Có bốn cách để ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào doanh nghiệp. Đầu tiên là sử dụng công nghệ để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai là sử dụng công nghệ để bổ sung cái cũ. Thứ ba là dùng công nghệ để tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới. Thứ tư là dùng công nghệ để đi tắt đón đầu", ông Tuấn chia sẻ.

Chi tiết hơn về 4 cách ứng dụng này, ông Tuấn phân tích: 

Sử dụng công nghệ để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất/kinh doanh: Một cửa hàng bánh ở Singapore, sau khi sử dụng công nghệ để tối ưu hóa sự vận hành của cửa hàng, đã tăng được 41% doanh số, giảm chi phí cũng như giảm được số hàng tồn kho đáng kể. Một ông lớn về sản xuất máy tính ở Mỹ, sau khi dùng công nghệ để tối ưu hóa cách quản lý hàng hóa đã tiết kiệm được 130 triệu USD.

Tất nhiên, chúng ta không thể một lần tối ưu hóa tất cả các mảng miếng, mà nên ngồi lại tự hỏi bản thân nên ưu tiên cái gì trước: sản xuất, bán hàng hay nhân sự…; rồi sau đó cứ dựa vào thứ tự ưu tiên để tìm công nghệ tối ưu hóa từng khâu hiệu quả nhất.

Sử dụng công nghệ để bổ sung cái cũ: Singapore từng là trung tâm shopping của cả Đông Nam Á với rất nhiều shopping mall to đẹp có mặt khắp nơi, nhưng với sự phát triển của thương mại điện tử, hiện tại các shopping mall đó vắng vẻ hơn rất nhiều, như vùng đất của zombie (xác sống). Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là những người đã có cửa hàng phải dẹp hết cửa hàng offline mà mở cửa hàng online.

Phương cách đúng chính là: chúng ta hãy mở thêm cử hàng online để bổ trợ cho nhau. Thêm cửa hàng online, hàng hóa sẽ tăng mức độ quảng bá và nhận diện sản phẩm, tác động tốt tới cửa hàng offline. Rồi chúng ta phải làm sao nhận diện/đo lường được, những người đến các cửa hàng offline là bởi thích fanpage, quảng cáo trên online, xem sản phẩm sau đó mua online…

Dùng công nghệ để tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới: tiêu biểu như các sản phẩm của công ty Med2lab do ông Mic Nguyễn sáng lập tại Mỹ. Med2lab là nền tảng công nghệ điện toán đám mây về giáo dục nhằm mục đích cải tiến việc đào tạo trong ngành y tế.

Một số báo cáo cho thấy, trên toàn cầu hiện thiếu tổng cộng 7,2 triệu nhân lực ngành y, chỉ 36 nước có trường y. Trong khi đó, học phí lại đắt đỏ, để tạo ra một bác sỹ phải tốn trung bình 113.000 USD, khó đánh giá hiệu quả do chỉ kiểm tra lý thuyết ít kỹ năng thực thực tế/thực hành, tốn nhiều thời gian, quy mô nhỏ. Nhận thấy nhu cầu rất lớn này, ông Mic Nguyễn đã phát triển một hệ thống bệnh nhân ảo, dùng công nghệ máy học (machine learning).

Các bệnh nhân ảo của Med2lab thông qua công nghệ machine learning sẽ ngày càng trở nên thông minh và giống con người hơn nhờ học được nhiều thông tin từ những dữ liệu (hồ sơ bệnh án, đơn thuốc) mà công ty thu thập được. Hiện tại, Med2lab còn được tích hợp thêm với hệ thống y khoa, để không chỉ phục vụ cho sinh viên y khoa mà còn cho cả bệnh viện.

Dùng công nghệ để đi tắt đón đầu: chúng ta có thể bỏ qua các giai đoạn chuyển tiếp hoặc thị trường phái sinh, đi thẳng lên thị trường hiện đại nhất. Nếu bây giờ, chúng ta muốn mở cửa hàng hoặc hệ thống online gì, thay vì đi từng bước như phần mềm cho desktop, tới laptop rồi mới tới tablet/smartphone; thì hãy đi thẳng lên, phát triển các ứng dụng cho smartphone. 

Vì các thiết bị thông minh di động mới chính là yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu trong nền kinh tế cận đại.