Tiết kiệm 3000 tỷ đồng mỗi năm, vì sao doanh nghiệp vẫn "ngoảnh mặt" với hóa đơn điện tử?

Vũ Nga - 07:00, 25/10/2017

TheLEADERTheo các chuyên gia, có nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp vẫn không mặn mà với sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn. Với số lượng 4 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. 

Nếu dùng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy thì số tiền doanh nghiệp có thể tiết kiệm được lên tới khoảng trên 3.000 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Trí cho biết, hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích lớn cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp. Với số lượng 4 tỷ hóa đơn giấy trong một năm khổng lồ như hiện nay thì việc lưu trữ không hề dễ dàng. 

Tuy nhiên, hóa đơn điện tử được lưu trữ hay vận chuyển được thực hiện trên hệ thống máy tính do đó việc bảo quản và sử dụng được hiệu quả và dễ dàng hơn do vậy tiết kiệm được rất nhiều về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, theo ông Trí, lợi ích lớn nhất mà cơ quan thuế có được từ việc áp dụng hóa đơn điện tử đó là việc hình cơ sở dữ liệu về hóa đơn phục vụ cho công tác quản lý thuế, kiểm tra, đối chiếu, rà soát cũng như là kịp thời phát hiện những hành vi gian lận.

Ông Đậu Anh Tuấn (áo đen bên trái) và ông Nguyễn Đại Trí tại tọa đàm. Ảnh VGP

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử là một chuyển động rất tích cực của ngành tài chính, cụ thể là ngành thuế.

Hóa đơn điện tử sẽ giúp giảm chi phí quản lý, lưu trữ và giảm rủi ro về hóa đơn giả cho doanh nghiệp. Khi áp dụng hóa đơn điện tử đặc biệt là những hóa đơn có xác nhận của cơ quan thuế thì mọi giao dịch của doanh nghiệp được ghi nhận chính vì vậy điều này giúp giảm thiểu tình trạng trốn thuế và duy trì cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ông Tuấn nói.

Vẫn theo ông Tuấn, về phí cơ quan thuế, hóa đơn điện tử giúp thêm được nguồn thu do việc trốn thuế được giảm thiểu và giảm chi phí về nhân lực. Ví dụ như để hoàn thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế phải đi xác thực hóa đơn trong bộ hồ sơ của doanh nghiệp. Nếu hóa đơn điện tử được áp dụng rộng rãi mà có mã xác thực thì chắc chắc những hoạt động như quả trị, quản lý trong các cơ quan thuế sẽ được giảm đi rất nhiều.

Lo ngại của doanh nghiệp

Một nghịch lý hiện đang tồn tại là cho dù tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng hàng trăm nghìn doanh nghiệp vẫn không mặn mà với việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.

Theo thông tin từ Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, hóa đơn điện tử được triển khai đã vài năm, tuy nhiên tính đến cuối tháng 6/2017 mới chỉ có hơn 2.000 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử.

Lý giải về điều này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, đề án về hóa đơn điện tử hiện tại doanh nghiệp cũng còn nhiều lo ngại:

Thứ nhất, việc áp dụng đồng bộ hóa đơn điện tử của các cơ quan Nhà nước. Nếu ngành thuế chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử nhưng các cơ quan quản lý khác như biên phòng, hải quan… vẫn sử dụng hóa đơn giấy thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, hệ thống hạ tầng đã sẵn sàng hay chưa. Bởi vì với hơn 4 tỷ giao dịch hóa đơn mỗi năm như hiện nay và sắp tới có thể nhiều hơn thì liệu hệ thống hạ tầng có khả năng đáp ứng được? Trong trường hợp không đáp ứng được sẽ gây gián đoạn và thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, vấn đề liên quan đến bảo mật cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngạị.

Thứ tư, lộ tình áp dụng hóa đơn điện tử nhiều doanh nghiệp e ngại là quá gấp gáp. Trong dự thảo đề án hiện tại muốn đẩy nhanh tiến trình áp dụng hóa đơn điện tử ví dụ như ngày 1/1/2018 hóa đơn điện tử sẽ được áp dụng cho những doanh nghiệp có rủi ro cao; 1/7/2018 áp dụng cho doanh nghiệp các doanh nghiệp khác.

Cuối cùng, chi phí là một trong những lo ngại chính của doanh nghiệp. Bên cạnh hóa đơn điện tử do doanh nghiệp tự xây dựng và mua từ cơ quan thuế, thì cũng có hệ thống trung gian của tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn liệu chi phí này có lớn hay không. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cho rằng việc duy trì chữ ký số mà phải trả phí hàng năm cũng là một khoản lớn. Chính vì vậy việc tạo ra chi phí lớn khi áp dụng hóa đơn điện tử cũng là lo ngại của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Do vậy, ông Tuấn cho rằng, để hóa đơn điện tử được triển khai trên diện rộng điều quan trọng là cần phải có sự chuyển động đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước với nhau. Nếu cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử nhưng các cơ quản lý khác vẫn sử dụng hóa đơn giấy thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Vì thế, theo ông Tuấn, cần phải cung cấp một hệ thống để làm sao các cơ quan quản lý Nhà nước khi cần thiết có thể truy cập vào hệ thống để có thể biết được các giao dịch và hoạt động của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, để hóa đơn điện tử được áp dụng rộng rãi và hiệu quả thì đòi hỏi phải có sự hành động của cả các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử cần được kéo dài thêm để doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt, ông Tuấn nhấn mạnh.