Tóm tắt kết quả làm việc của Quốc hội ngày 26/10

An Nhiên - 08:30, 27/10/2017

TheLEADERHôm nay, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời bỏ phiếu kín về Nghị quyết bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tóm tắt kết quả làm việc của Quốc hội ngày 26/10
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình dự án Luật tại Kỳ họp Ảnh: Đình Nam

Sáng 26/10, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến kiểm soát đặc biệt và phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.

Về các phương án cơ cấu lại Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Dự thảo luật bố cục theo hướng phân chia thành 5 phương án cơ cấu lại :phương án phục hồi; phương án sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần; phương án giải thể; về phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt – tỉnh Gia Lai chỉ ra rằng, sau khi nhìn lại các vụ đại án liên quan các tổ chức tín dụng đã xét xử những năm gần đây, khó khăn nhất là việc giải quyết, xử lý hậu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và hậu quả pháp lý của những người có liên quan. Do đó, Dự thảo luật sửa đổi lần này cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém ngay tại dự thảo luật nhằm bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.

Một trong những nội dung cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận là quy định về phương án chuyển giao bắt buộc. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc; đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là tổ chức tín dụng, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp.

Trường hợp không có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản như quy định tại khoản 8 Điều 151a.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường

Đại biểu đặt ra câu hỏi, nếu không có nhà đầu tư khác đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ xử lý như thế nào? Nhà nước và các Ngân hàng thương mại có vốn góp có đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc hay không? Nếu các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm, tức là tài sản nợ nhiều hơn tài sản có thì các nhà đầu tư khác muốn mua lại cổ phần thì biện pháp tái cơ cấu nào sẽ được ưu tiên trong trường hợp này? Tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc cần đáp ứng điều kiện gì không để bảo đảm việc nhận chuyển giao không ảnh hưởng xấu đến hệ thống tín dụng?

Trước một số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét. 

Tuy nhiên, trong các quy định về khoản vay đặc biệt, dự thảo luật quy định, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các tổ chức tín dụng có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống. Việc quy định các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng khác phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài.

Đặt ra vấn đề không sử dụng ngân sách nhà nước trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – TP. Hà Nội cho rằng, nguyên tắc này chưa được quán triệt một cách triệt để trong dự thảo Luật. Đại biểu phân tích, với các khoản vay đặc biệt có mức ưu đãi 0%, dự thảo Luật chưa làm rõ các tổ chức tín dụng sau khi được hưởng những khoản vay này nhưng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản và không thể thanh toán được thì sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm các khoản vay này? Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng như ở một số văn bản mang tính chỉ đạo gần đây có sử dụng khái niệm "không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém". Đại biểu đặt ra câu hỏi, quy định như vậy tức là có thể sử dụng ngân sách gián tiếp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém?

Cũng phát biểu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa -TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách nhà nước trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%. Nếu có ảnh hưởng thì chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhận hoa chúc mừng.

Đến phiên làm việc buổi chiều 26/10, Quốc hội hoàn tất công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 4 với việc thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ với 447/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,04% tổng số đại biểu Quốc hội.

Với Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966, là Tiến sĩ ngành Giao thông vận tải đường bộ. Hiện đang giữ chức vụ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sinh năm sinh năm 1964, là Thạc sĩ kế toán kiểm toán. Hiện đang giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (Luật cơ quan đại diện) chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, phục vụ việc xem xét bổ nhiệm.

Ngoài ra, một số quy định của Luật không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế. Một số nhiệm vụ trong lĩnh vực lãnh sự như nhiệm vụ tiếp nhận đơn chứng cứ; cấp đổi các loại hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất nhập cảnh; gia hạn, cấp lại thị thực và giấy miễn thị thực không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Quy định về quản lý thống nhất kinh phí hoạt động thường xuyên của bộ phận thương mại tại cơ quan đại diện không bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động chuyên môn,…

Dự thảo Luật được bố cục thành 02 Điều gồm Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện và Điều 2 về hiệu lực, trách nhiệm thi hành. Dự thảo Luật kế thừa phần lớn các quy định còn phù hợp của Luật cơ quan đại diện và chỉ sửa đổi, bổ sung một số khoản tại 11 trong tổng số 36 điều của Luật cơ quan đại diện, bãi bỏ 01 khoản.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề nghị Chính phủ bổ sung quy định về nguyên tắc cho phép áp dụng quy trình, thủ tục rút gọn đối với các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện ở nước ngoài trong một số trường hợp cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù, tính kịp thời về đầu tư xây dựng ở nước ngoài và khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.