Tổng giám đốc Vietravel: "Việt Nam nên cam kết miễn visa từ 3 - 5 năm"

Thu Phương - 10:00, 02/08/2017

TheLEADERViệt Nam đứng 28 thế giới về các điều kiện thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa... cho phát triển du lịch, nhưng lại đứng 113 thế giới về chính sách và đứng thứ 111 về hệ thống dịch vụ du lịch.

Tổng giám đốc Vietravel: "Việt Nam nên cam kết miễn visa từ 3 - 5 năm"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2, diễn ra sáng 31/7/2017 tại Hà Nội, trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel đã nêu rõ một số "điểm nghẽn" hiện nay trong phát triển du lịch cần sớm được tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch phát triển và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trước hết là chính sách miễn thị thực. Chính phủ cần có sự cải tiến về miễn thị thực nhiều hơn nữa. Hiện nay, các nước trong khu vực đều có chính sách miễn thị thực cao hơn Việt Nam rất nhiều. Điển hình như Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn thị thực cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ... 

Các nước này đều đã áp dụng những chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu, cấp thị thực điện tử (e-visa) và thực tế đã cho thấy những chính sách này đang phát huy hiệu quả rất tốt trong việc thu hút khách du lịch.

"Do đó, tôi kiến nghị cần kéo dài thời gian du khách được phép miễn thị thực tại Việt Nam lên 30 ngày so với 15 ngày như hiện nay. Có như vậy mới lôi kéo được du khách ở lại Việt Nam nhiều hơn. Bởi thời gian miễn thị thực 15 ngày như hiện nay là quá ít", ông Kỳ nhận định.

Cùng với đó, việc Việt Nam miễn visa theo năm (miễn visa cho công dân năm nước châu Âu đến du lịch tại Việt Nam từ 15 ngày trở xuống, gia hạn từng năm một) khá... đánh đố du khách và vướng về luật. Bởi một khi du khách rời khỏi Việt Nam thì 30 ngày sau mới được nhập cảnh trở lại.

"Theo tôi, chúng ta nên cam kết miễn visa từ 3 - 5 năm. Hiện nay chúng ta cam kết từng năm một, không thuận tiện cho việc phát triển. Các cơ quan chức năng cần có chính sách sớm tháo gỡ vấn đề này vì visa là yếu tố quan trọng để xây dựng những kế hoạch dài hơi trong phát triển du lịch", ông Kỳ chia sẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề visa điện thử hiện nay, ngoài 40 nước hiện có, cần mở rộng thêm 12 nước. Chính phủ có thể chọn những thị trường nguồn, top 10 thị trường có lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất hoặc chọn tốp 10 quốc gia có thu nhập cao nhất trên thế giới, nhóm du khách sẵn sàng chi tiêu cao.

Thứ hai, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia. Bởi hiện nay tại Trung ương, các địa phương và các bộ ngành đều có chính sách du lịch riêng, rất thiếu đồng bộ. Điều này dẫn đến việc quỹ xúc tiến dành cho du lịch đã ít nhưng lại lẻ tẻ, không chuyên nghiệp và thiếu hiệu quả.

Thứ ba, Việt Nam cần có các cơ quan xúc tiến du lịch tại nước ngoài, nhất là tại các thị trường khách du lịch trọng điểm. Trong khi đó, đến giờ phút này, ViệtN cham vẫn chưa có một văn phòng nào tại nước ngoài do bị vướng bởi luật các cơ quan quản lý Việt Nam tại nước ngoài,

Thứ tư, theo ông Kỳ, về quỹ quảng bá du lịch, tháng 8/2016 Chính phủ cam kết 200 tỷ đồng, tuy nhiên hiện quỹ này vẫn chưa có. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần có trách nghiệm trong việc xúc tiến, tự nguyện hỗ trợ đóng góp chung cho việc phát triển du lịch. Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia hiện nay hướng tới quỹ quảng bá du lịch 70 tỷ đồng trong năm 2017, mỗi thành viên đóng góp 5 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cần có hội đồng quản lý quỹ quảng bá du lịch này để sử dụng dòng tiền một cách hiệu quả, phục vụ hoạt động du lịch.

Một vấn đề nữa là việc xúc tiến thương hiệu du lịch quốc gia. "Hiện nay Việt Nam chưa có một thương hiệu du lịch quốc gia ổn định, dẫn đến lãng phí nguồn lực cũng như chưa tập trung được nguồn lực cho việc phát triển. Thương hiệu chúng tôi đang đề xuất là ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam rất nổi tiếng, việc phát triển thương hiệu du lịch này vừa có chi phí thấp lại mang lại hiệu quả nhanh và độ phổ cập lớn", ông Kỳ cho biết.

Cùng với đó, Nhà nước cần triển khai nhanh việc đưa nghị định 08 vào cuộc sống, củng cố việc xây dựng và đưa vào hoạt động ban chỉ đạo quốc gia về du lịch chứ không thể kiêm nghiệm như hiện nay. 

Cũng theo ông Kỳ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên kết, liên ngành và liên vùng cao, vì vậy để giải quyết bất cứ "điểm nghẽn" nào trong ngành du lịch cũng đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như các cơ quan quản lý... Tất cả nhằm mục tiêu vì một nền du lịch Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.