TP. HCM đặt mục tiêu có 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Minh Anh - 10:54, 24/06/2018

TheLEADERĐến năm 2030, quy hoạch phát triển ngành thương mại TP. HCM đặt mục tiêu hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

TP. HCM đặt mục tiêu có 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Hiện thị trường bán lẻ TP. HCM chỉ còn hai nhà bán lẻ lớn của Việt Nam là Saigon Co.op và Vingroup. A

Sở Công thương TP. HCM vừa công bố quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8,55% đến 11,53%/năm; giai đoạn năm 2021 - 2025 từ 10,89% đến 14,02%/năm; giai đoạn năm 2026 - 2030 từ 6,82% đến 9,06%/năm.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM, phát triển ngành thương mại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố chú trọng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát.

TP. HCM cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%. Đặc biệt, đến giai đoạn 2025 - 2030, hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn từ nay đến năm 2020, trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể.

Bên cạnh đó, thành phố hình thành mạng lưới trung tâm logistics trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối trong nội thành; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TP. HCM với các tỉnh, thành và xuất nhập khẩu.

TP. HCM cũng có kế hoạch triển khai mở rộng kết hợp xúc tiến đầu tư Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Sài Gòn, khu phức hợp Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Thủ Thiêm, Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Hiệp Phước đáp ứng nhu cầu mở rộng giao thương quốc tế, đưa thành phố sớm trở thành trung tâm giao dịch thương mại quan trọng khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, cũng theo Sở Công thương TP. HCM, tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 207 siêu thị hoạt động, gồm 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp. 

Chỉ riêng năm 2017, đã có 218 cửa hàng tiện lợi được khai trương, nâng tổng số cửa hàng trên trên địa bàn lên 1.100. Các hệ thống bán lẻ trong nước đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỉ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%.

Tuy nhiên, tỉ trọng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và chiếm khoảng 40% siêu thị tổng hợp. Tỉ lệ này tiếp tục tăng do Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi các cam kết hội nhập. Các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm nhiều hệ thống phân phối hiện đại Việt Nam. 

Hiện chỉ còn hai nhà bán lẻ lớn của Việt Nam là Saigon Co.op và Vingroup trên thị trường. Các doanh nghiệp thương mại khác của nhà nước như Satra, Hapro thì bán lẻ chưa phải là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Nhiều chuyên gia đánh giá, các tập đoàn phân phối nước ngoài có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, khi phát triển các cơ sở bán lẻ sẽ kéo theo hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam. 

Nếu không nhận rõ tình hình và không có những giải pháp thích hợp thì khả năng nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa là rất lớn. Các doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm.