TPP có thể được khôi phục tại APEC

Đức Thiên - 00:00, 19/07/2017

Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản và các thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối tuần này sẽ quyết định việc nên khôi phục lại thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối như thế nào.

TPP có thể được khôi phục tại APEC

Các bộ trưởng thương mại sẽ có các cuộc thảo luận bên lề hội nghị APEC tại Hà Nội, cùng với đó đại diện thương mại Hoa Kỳ ông Robert Lighthizer cũng sẽ đưa ra nhiều thông tin chi tiết hơn về các kế hoạch thương mại của Washington.

Sự không chắc chắn trong những kế hoạch sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP gây ra những lo sợ về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và vị trí lãnh đạo ngày càng được củng cố của Trung Quốc ở châu Á.

Phiên bản TPP-1 được hình thành với mong muốn tiến lên phía trước ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ dù tổng giá trị thương mại của các thành viên TPP-1 chỉ bằng một phần tư so với TPP với 12 thành viên ban đầu, theo số liệu gần đây nhất.

Việc vẫn tiếp tục triển khai TPP có thể giúp gia tăng vị trí của các thành viên trong các cuộc đàm phán song phương với Hoa Kỳ. Điều này cũng có thể làm giảm sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Hiện nay, Nhật Bản cùng New Zealand là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực "cứu sống" TPP. Nhật Bản nhấn mạnh rằng cuối cùng họ sẽ đưa Mỹ trở lại.

Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP ban đầu vì mức thuế thấp hơn và có khả năng nhận được nhiều khoản đầu tư hơn từ Mỹ. Malaysia cũng ở vị trí tương tự và một quan chức nước này đã bày tỏ hy vọng trở lại TPP.

Các cuộc họp riêng giữa đại diện thương mại Hoa Kỳ với các đối tác khác, đặc biệt từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Chiến lược thương mại "Mỹ là ưu tiên hàng đầu" của ông Trump phụ thuộc vào việc thực hiện tốt luật thương mại Hoa Kỳ và các hiệp định thương mại hiện tại.

Ông Lighthizer cho biết, ông sẽ làm cho thương mại trở nên "tự do và công bằng hơn" với lợi ích của công nhân, nông dân và doanh nghiệp Mỹ.

Việc đẩy mạnh TPP phần nào làm lu mờ những tiến triển của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) do Bắc Kinh làm trụ cột. Các thành viên hy vọng hiệp định sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Thỏa thuận RCEP bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng không có Mỹ. Phần lớn nội dung hiệp đinh là các quy định giảm thuế nhưng không toàn diện bằng TPP - một hiệp định kiểu mới với những quy định về sở hữu trí tuệ, quyền lao động hoặc môi trường.

Để TPP có hiệu lực ngay cả khi không có sự tham gia của Hoa Kỳ, thì quy tắc đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% GDP của các quốc gia thành viên ban đầu phải được gỡ bỏ.

Giải thích các hiệp định thương mại TPP, RCEP và FTAAP:

TPP: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

TPP ban đầu bao gồm 12 quốc gia thành viên thuộc khu vực Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc). Hiệp định đã được ký kết nhưng vẫn đang chờ phê chuẩn từ các nước thành viên. Hiệp định này đã từng được dẫn dắt bởi Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng Tổng thống kế nhiệm Donald Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này.

RCEP: Hiệp định đối tác toàn diện khu vực

RCEP là sáng kiến của Trung Quốc. Hiện nay, đã có 16 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia hiệp định này. RCEP được xem là đối đầu với TPP và hiện đang tiến triển nhanh hơn TPP.

FTAAP: Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương

FTAAP bao gồm 21 quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương và đa số là thành viên của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), một diễn đàn được thành lập vào năm 1989 nhằm thúc đẩy thương mại tự do ở khu vực. Mục đích của thỏa thuận nhằm xây dựng và phát triển các khuôn khổ thương mại hiện tại trong khu vực.