Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa là tương lai sống còn của doanh nghiệp

Esmond Tong - 15:38, 07/04/2018

TheLEADERBài viết bởi ông Esmond Tong, Phó Chủ Tịch mảng Nền tảng Đám mây, Oracle Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Accenture, trí tuệ nhân tạo (AI) dự kiến sẽ tác động đến 25% chi phí công nghệ trong tương lai và đang nhanh chóng giữ vai trò ngày càng quan trọng trong bộ máy hoạt động của các doanh nghiệp. 

Trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa (automation) có khả năng hỗ trợ thiết lập những quyết định có cơ sở thông qua việc kết hợp và nâng cao trí tuệ con người với các phân tích dữ liệu chính xác và điện toán mạnh mẽ, từ đó tự động hóa các công việc tiếp theo. Được ví như pin AA, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa có khả năng cung cấp năng lượng cho doanh nghiệp và thúc đẩy họ tiến gần hơn với thành công.

Theo đó, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa được tạo nên bởi ba yếu tố. Thứ nhất, đám mây đóng góp một phần lớn vào sức mạnh điện toán và xử lý dựa trên nhu cầu thực tế. Thứ hai, sự tràn dữ liệu, với 90% dữ liệu trên thế giới được tạo ra chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, đã mang đến một nguồn thông tin dồi dào cần có để cung cấp năng lượng cho những thuật toán thông minh - yếu tố cấu thành nên trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa. Cuối cùng, các công cụ trí tuệ nhân tạo mới có thể dễ dàng tích hợp vào bộ máy doanh nghiệp và hoạt động như một động cơ của sự đổi mới và sáng tạo, hỗ trợ các tổ chức dễ dàng áp dụng và hưởng lợi từ những công cụ này.

Những biến động gây ra bởi ba động lực này đã dẫn đến một số ví dụ điển hình về những đổi mới và sáng tạo chú trọng vào trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, nhà sản xuất ứng dụng và thiết bị điện, kỹ thuật, và chiếu sáng của Ấn Độ, Bajal Electricals, đang sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo AI để nâng cao tương tác với khách hàng. Với 20 triệu sản phẩm được bảo hành, và gần 2 tỷ sản phẩm đang được sử dụng, công ty này cần một cơ chế tiết kiệm chi phí để hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn, sửa chữa hoặc lắp đặt sản phẩm. Hơn thế nữa, các chatbot còn tạo cơ hội cho công ty xây dựng mối quan hệ với khách hàng, đặc biệt là khi đa số họ là những người trẻ thiếu kiên nhẫn: "Với họ, nếu không nhận được câu trả lời trong vòng 10 giây, họ sẽ không dành sự quan tâm dành cho bạn nữa".

Dù các công ty đang sử dụng hai công nghệ mới nổi này theo những cách rất khác nhau, mọi dự án có sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa đều dựa trên những nguyên tắc chung. Những dự án này không chỉ được triển khai để giới thiệu công nghệ mới, mà còn hướng tới mục tiêu chiến lược nhằm giải quyết một vấn đề thực tế của doanh nghiệp.

Dù trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều các ứng dụng tiềm năng, báo cáo của Forrester lại cảnh báo rằng, trong năm 2018, 75% các dự án trí tuệ nhân tạo sẽ gây thất vọng do không đáp ứng được những điều kiện thực tế. Trong bối cảnh đó, các công ty nên bắt đầu từ đâu?

Dưới đây là năm lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp cần quan tâm:

1. Thu thập giá trị từ dữ liệu

Chúng ta đang sống trong một thế giới sở hữu những dữ liệu rất lớn, và thông tin chuyên sâu cần phải được cập nhật liên tục theo thời gian thực. Khi bộ dữ liệu trở nên lớn hơn, các công cụ trí tuệ nhân tạo mới mẻ và tự động hóa sẽ tăng tốc khả năng "mò kim đáy bể" và từ đó đảm bảo thực hiện các hành động cần thiết.

Những công cụ này cũng sẽ đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc quản lí dữ liệu. Với vai trò vận hành, vá lỗi, và tối ưu hóa cơ sở và kho dữ liệu, những công cụ này sẽ mang lại sự sẵn có, hiệu suất và an ninh chưa từng có với chi phí rẻ hơn đáng kể khi loại bỏ được lỗi gây ra bởi con người trong các quy trình thủ công.

2. Tái cân bằng cuộc chiến tranh mạng

Một lĩnh vực khác mà con người không thể theo kịp là những thách thức đang ngày càng trầm trọng liên quan đến vấn đề an ninh mạng của doanh nghiệp. Có quá nhiều thiết bị, ứng dụng, người dùng, vi phạm và megabytes từ tệp nhật kí để con người có thể hiểu được tất cả các vấn đề và phản ứng kịp thời khi trong thế giới ngày nay, bạn chỉ được phép phản ứng trong vòng vài mili giây nếu muốn tạo ra sự khác biệt.

Các doanh nhgiệp sẽ phải phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa để tự động hóa các hoạt động phát hiện, ngăn chặn, và giải quyết vi phạm an ninh, lỗi hiệu suất, và lỗ hổng phần mềm. Chỉ khi "lấy máy móc trị máy móc", các công ty mới có khả năng tái ưu tiên và tái xem xét cách bảo vệ thông tin của mình.

Trí tuệ nhân tạo và Tự động hóa chính là tương lai sống còn của doanh nghiệp
Ông Esmond Tong, Phó Chủ Tịch mảng Nền tảng Đám mây, Oracle Châu Á – Thái Bình Dương

3. Tìm kiếm cách vận hành hiệu quả nhất

Các doanh nghiệp đang gặp áp lực ngày càng lớn trong việc phải cắt giảm thời gian tiếp thị để ưu tiên những dịch vụ và ứng dụng mới. Đồng thời, họ cũng bị choáng ngợp trước sự phát tán rộng rãi của dữ liệu và quy mô của các hệ thống điều hành, do đó không thể nhận ra những vấn đề đang cản trở việc thực hiện những quyết định đúng đắn, giải quyết các khó khăn và thúc đẩy hợp tác chéo giữa các doanh nghiệp trái ngành.

Nền tảng đám mây, dù giúp đơn giản hóa một số bộ phận nhất định, cũng đồng thời tạo ra thêm một chiều kích mới, khiến đội ngũ IT vô cùng khó khăn trong việc tối ưu hóa các hệ thống của doanh nghiệp và ngăn chặn các sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Trí tuệ nhân tạo có thể tự động hóa rất nhiều các yêu cầu về quản lý và kiểm soát nhằm đảm bảo các hệ thống của doanh nghiệp vận hành trơn tru nhất có thể, hỗ trợ xác định lỗi do con người và cho phép nâng sự tối ưu hóa lên một tầm cao mới.

4. Tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh

Khi trí tuệ nhân được tích hợp với các ứng dụng kinh doanh cốt lõi như Quản lí hiệu suất nguồn lực doanh nghiệp (ERP), Quản lý nguồn nhân lực (HCM), Quản lí chuỗi cung ứng (SCM), Bán Hàng và Tiếp Thị, quá trình đưa ra quyết định sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn cho mọi chuyên viên trong tổ chức.

Ở bộ phận Tài Chính, trí tuệ nhân tạo sở hữu tiềm năng cải thiện các hoạt động như thương lượng với nhà cung cấp, đặc biệt là ở những thời điểm báo cáo cuối quý, khi các công ty đang chú trọng tối ưu hóa các nhu cầu về dòng tiền và cân bằng chi phí.

Ở bộ phận Nhân sự (HR), các nhà tuyển dụng sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm được những ứng viên tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Ở bộ phận Tiếp thị, trí tuệ nhân tạo vốn đang được sử dụng nhằm hỗ trợ các chuyên viên triển khai những chiến dịch cá nhân hóa hơn cùng những ưu đãi hấp dẫn.

5. Tạo các cuộc hội thoại với chức năng chat

Cuối cùng, như trong ví dụ với Bajaj Electricals, một lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo có lợi thế là chatbot, đặc biệt là khi trải nghiệm khách hàng ngày càng được đề cao và dự kiến sẽ trở thành một "cuộc chiến" vô cùng cạnh tranh trong năm 2018.

Với những nền tảng mới được kết cấu bởi trí tuệ nhân tạo, sẽ không mất nhiều thời gian và cũng không quá khó để xây dựng và đào tạo các bot thông minh (Intelligent Bots) mà không cần các kỹ năng trí tuệ nhân tạo chuyên môn.

Một điều chắc chắn rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành thành tố ngày càng quan trọng đối với môi trường kinh doanh, và không thể bị bỏ ngoài lề. Với những lợi ích khá cơ bản mà trí tuệ nhân tạo mang lại, bao gồm tốc độ nhanh chóng đến từ công nghệ tự động hóa và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, nếu đối thủ đưa ra quyết định tốt hơn và nhanh hơn, doanh nghiệp của bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh đó, không một doanh nghiệp nào có thể ngồi yên và chờ đợi.

Trí tuệ nhân tạo và Tự động hóa chính là tương lai sống còn của doanh nghiệp 1