Trump bất ngờ muốn 'yêu lại từ đầu' với TPP

Lam Linh - 11:59, 13/04/2018

TheLEADERTheo thông tin mới đây từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các trợ lý cấp cao xem xét lại việc gia nhập TPP 11 nếu như có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn.

Trump bất ngờ muốn 'yêu lại từ đầu' với TPP
Ông Trump liên tục than phàn về thương mại thâm hụt của nước Mỹ. Ảnh: The Hill

Quyết định này của ông Trump được nhiều nhà lập pháp khu vực nông nghiệp hoan nghênh, đánh dấu sự thay đổi hình ảnh của vị tổng thống từng kiên quyết kí sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay khi nhậm chức vào năm ngoái.

Nhà Trắng chỉ ra rằng động thái mới này của ông Trump không phải sự đảo ngược chính sách đột ngột mà hoàn toàn phù hợp với tuyên bố trước đó.

"Năm ngoái, tổng thống Donald Trump giữ đúng lời hứa rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP vì nó được cho là tạo ra sự bất công đối với người lao động và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump luôn rất mở cửa với một thỏa thuận mới tốt hơn và thậm chí có đề cập đến điều này trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos hồi đầu năm nay", bà Lindsay Walters, thư kí báo chí Nhà Trắng đánh giá.

Không chỉ phê phán TPP, ông Trump còn là người liên tục "miệt thị" thương mại đa phương, gọi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một thảm họa hay "ném đá" vào các thỏa thuận thương mại khác.

Những cố vấn thương mại của ông Trump cũng bày tỏ sự ưu tiên đàm phán các hiệp định song phương được cho là có lợi hơn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng Một vừa qua, ông Trump bất ngờ để ngỏ khả năng tham gia đàm phán với các quốc gia TPP "một cách riêng lẻ hoặc một nhóm".

Quyết định mới này của ông Trump đối với TPP là dấu hiệu cho thấy mọi thứ dưới thời vị tổng thống này có thể không khó khăn như những lời tuyên bố trước đó. Đơn cử như việc Trump quyết định không rút khỏi NAFTA và hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (KORUS) như lời đe dọa trước đó. Ông cũng đã miễn thuế thép, nhôm cho những đối tác thương mại được xem là đồng minh của Mỹ.

Không chỉ có Mỹ mà một số quốc gia khác như Hàn Quốc hay Anh cũng đang để ngỏ mong muốn gia nhập vào TPP sau khi hiệp định này được kí kết bởi 11 nước còn lại, đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong buổi nói chuyện với phóng viên TheLEADER, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định TPP “rõ ràng là một cơ chế tốt khiến cho các nước khác mong muốn tham gia, chứng tỏ sức hút và vai trò của hiệp định này dù cho không có Mỹ”.