TS. Cấn Văn Lực: Chứng khoán hóa là cách tốt nhất để xử lý nợ xấu

15:44, 25/12/2017
Tiến sĩ Cấn Văn Lực
Chuyên gia kinh tế

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, không nên nhìn theo vết xe đổ của Mỹ mà chúng ta lừng khừng không chịu chứng khoán hóa các khoản nợ và nợ xấu. Quan trọng nhất là cách chúng ta quản lý thị trường chứ không phải là có làm hay không.

TS. Cấn Văn Lực: Chứng khoán hóa là cách tốt nhất để xử lý nợ xấu
Chuyên gia Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV: Chứng khoán hóa sẽ giúp phân tán rủi ro. Ảnh: QN

Chứng khoán hóa các khoản nợ và nợ xấu là một trong những đề tài gây tranh cãi nhất trong buổi hội thảo về Phát triển thị trường mua bán nợ và xử lý nợ xấu tại Việt Nam, do khoa Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM và Tạp chí Phát triển Kinh tế - Viện Nghiên cứu Kinh doanh, tổ chức.

Người Việt rất thích các loại đầu tư mạo hiểm

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, nhận định: "Việt Nam chúng ta chỉ đang cầm cự bằng cách sử dụng các quỹ dự phòng rủi ro để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Về bản chất, hệ thống xử lý nợ xấu đang an toàn, nhưng nó lại không có lợi nhuận để đóng góp ngược lại cho quỹ dự phòng rủi ro.

Nếu chúng ta chưa biết rõ ràng bản chất của các khoản nợ, thì không nên chứng khoán hóa. Mỹ đã sa lầy sau khi chứng khoán hóa các khoản nợ xấu mà không minh bạch được nguồn gốc".

Tuy nhiên, ông Lê Công Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM, lại không đồng ý với quan điểm đó: "Theo tôi, nên chứng khoán các khoản nợ xấu. Thật ra, người Việt Nam chúng ta rất thích tham gia các loại đầu tư mạo hiểm. Hồi có tin đồn OCB sắp vỡ nợ mà vẫn có người dân lao vào mua cổ phiếu của ngân hàng này.

Còn chuyện các khoản nợ và nợ xấu đó có minh bạch hay không không quan trọng. Chỉ cần chúng ta phân loại rủi ro rõ ràng. Giá cổ phiếu của khoản nợ sẽ tỉ lệ thuận với độ minh bạch và rõ ràng của các tài sản thế chấp. Nếu thông tin của các khoản nợ mập mờ, giá cổ phiếu sẽ thấp.

Những người thích sự mạo hiểm lớn có thể thích những loại như thế. Người dân rất giỏi, họ tự có nguồn tin riêng của mình. Nếu nhà nước không thể giải quyết được vấn đề, hãy nhờ cậy vào xã hội!".

Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, nhận định thêm: "Chứng khoán hóa chỉ là một phương thức mua bán nợ, nhưng nó là một giải pháp tương đối hiệu quả. Chứng khoán hóa sẽ giúp phân tán rủi ro.

Chúng ta đã có thị trường chứng khoán phái sinh. Như chúng ta thường hay nói, nhân chi sơ tính bản thiện, chẳng có thị trường nào xấu ngay từ đầu. Quan trọng là cách chúng ta quản lý như thế nào. Hơn nữa, việc có phải chứng khoán hóa là nguyên nhân gây khủng hoảng tài chính tiền tệ của nước Mỹ năm 2007 hay không, còn là một vấn đề gây tranh cãi".

Không nên xem nợ là ung nhọt mà là ân nhân

Theo ông Lực, ngoài chứng khoán hóa, còn ba phương thức mua bán nợ khác: Đàm phán trực tiếp, đấu giá, bán cho một số nhà đầu tư tư nhân. Mỗi phương thức có cái hay và cái dở riêng.

Tuy nhiên, muốn chứng khoán hóa thành công, các cơ quan Nhà nước cần phải minh bạch hơn nữa các thông tin về tài sản đảm bảo (66% nợ xấu của Việt Nam đều có tài sản đảm bảo). Hiện tại, việc định giá các tài sản đảm bảo vẫn còn rất khó khăn. Chúng ta phải có thêm những tổ chức định giá độc lập, ngoài Bộ Tài chính.

"Sau các Hội nghị ở APEC, nhiều CEO nước ngoài đã tìm đến tôi hỏi thăm về các thông tin của các khoản nợ vì họ muốn mua. Khi tôi yêu cầu các cơ quan chức năng cho mình tài liệu, thì có vài tờ, vài trang thông tin sơ sài', ông Lực cho biết.

Theo ông Lực, chúng ta phải có tiêu chuẩn: Nợ nào có thể mua bán được? Thông tin về các khoản nợ đang mua bán. Cải tiến hơn nữa các khuôn khổ pháp lý. Khuôn khổ pháp lý đã có một phần nhưng chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ.

"Hiện tại, nhà nước chỉ mới cho phép hai phương thức mua bán nợ: Đàm phán trực tiếp và đấu giá. Trong khi hàng hóa trên thị trường vô cùng dồi dào, trị giá tới 4 triệu tỷ VNĐ. Chúng ta nên tập trung mua bán nợ của các doanh nghiệp, còn nợ cá nhân tính sau" ông Lực nói.

Còn theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ Tướng Chính phủ, để xử lý nợ xấu thành công, những chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách không nên xem nợ là ung nhọt mà là ân nhân.

"Một đất nước muốn phát triển được, phải có nợ công. Một doanh nghiệp muốn phát triển tốt thì phải vay nợ để mở rộng sản xuất. Cá nhân vay tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngân hàng phải có dư nợ mới tốt. Luôn có sự tỷ lệ thuận giữa nợ xấu và tăng trưởng kinh tế.

Năm 2007, dư nợ của Việt Nam tăng 54%, kinh tế tăng trưởng 8,46%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Ngược lại, năm 2012, dư nợ của Việt Nam tăng 8,8%, kinh tế tăng trưởng chỉ 5,25%, thấp nhất trong 10 năm qua", ông Ngân nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Ngân, chuyện gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta không nên để nợ xấu tăng quá cao, vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi có nợ xấu thì phải giải quyết ngay.

"Nợ xấu là vấn đề của tầm kinh tế vĩ mô, chứ không phải ai gây ra nợ xấu thì người đó phải có trách nhiệm giải quyết. Để kiểm soát được nợ xấu cần có sự chung tay của cả nhà nước, chuyên gia kinh tế, ngân hàng, người dân. Hãy đối xử với ân nhân của mình một cách ân cần!", ông Ngân chia sẻ.