TS. Hà Văn Siêu: 'Du lịch của chúng ta còn quá đơn điệu'

Thu Phương - 09:05, 29/04/2019

TheLEADERTheo TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhìn một cách tiêu cực thì du lịch của chúng ta còn quá đơn điệu, ít lựa chọn đa dạng để khách "chơi không biết chán", nên khó thu hút du khách quay lại.

TS. Hà Văn Siêu: 'Du lịch của chúng ta còn quá đơn điệu'
TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Ông nhận định như thế nào về triển vọng tăng trưởng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm 2019? Theo số liệu thống kê khách du lịch quốc tế trong quý I//2019 mới chỉ tăng 7%, điều này liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch chung của cả năm?

TS. Hà Văn Siêu: Theo kế hoạch dự kiến, Việt Nam sẽ thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2019, tăng 16% so với năm 2018. Trong năm 2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng 19%, năm 2017 tăng 29%. Các năm trước tăng trưởng khách luôn ở mức rất cao, năm 2019 tiếp tục đặt ra kế hoạch tăng cao là bài toán không hề đơn giản.

Trong khi đó, ba tháng đầu năm nay, khách du lịch quốc tế mới chỉ đạt 4,5 triệu khách, điều này đòi hỏi trong những tháng tiếp theo từ quý II trở đi, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải đạt rất cao để hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng khách du lịch.

Một vấn đề đáng chú ý khác là sự sụt giảm của khách khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm. Trong quý I/2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 7% nhưng khách du lịch từ Trung Quốc giảm 6%. Trong khi đó, khách du lịch quốc tế của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này, nhiều khả năng sẽ ảnh hướng đến tăng trưởng du lịch chung của cả năm 2019.

Sự sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc có thể giải thích bằng nhiều lý do. Thứ nhất là do làn sóng thương mại Mỹ - Trung ảnh hướng đến tâm lý tiêu dùng của người dân quốc gia này.

Thứ hai, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam thường được biết đến với các "tour không đồng", các công ty du lịch đua nhau cạnh tranh giảm giá để thu hút khách. Kết quả là ngày càng cắt dịch vụ, cắt chất lượng, cắt đến mức nào đó không thể làm được nữa thì dừng lại.

Đây chính là giai đoạn Việt Nam cần "tạm ngừng" để làm mới sản phẩm, cơ cấu lại giá để phát triển tiếp nhằm tăng thu từ khách du lịch Trung Quốc. Tránh như tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp trong nước không được lợi, Việt Nam cũng không thu được nhiều từ đối tượng khách hàng này.

Nhìn trên những thống kê sơ bộ của ba tháng đầu năm 2019, khó có thể nói được rằng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có giảm hay không trong cả năm. Tuy nhiên, rõ ràng, lượng khách này sẽ không tăng tăng nhiều như giai đoạn từ năm 2017 trở về trước.

Trước thực trạng này, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khách du lịch trong cả năm 2019, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang có nhiều biện pháp lỗ lực để duy trì tăng trưởng. 

Tuy nhiên, đã đến lúc cần Việt Nam cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng du lịch theo hướng thiết thực hơn. Trong việc xác định mục tiêu tăng trưởng cần không chỉ đặt nặng việc tăng số lượng khách mà còn phải yêu cầu phải tăng cả về chất lượng, tổng thu từ du lịch.

Nếu chỉ đặt mục tiều số lượng khách thì chưa đủ mà còn đặt mục tiêu về tổng thu du lịch, thu từ du lịch càng cao càng tốt. Có thể số lượng khách không đạt như kỳ vọng nhưng tổng thu du lịch đạt thì có nghĩa chúng ta đã tới đích, đó mới là chỉ tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam cần hướng đến.

Vậy theo ông Việt Nam cần làm gì để tăng thu từ du lịch?

TS. Hà Văn Siêu: Muốn tăng thêm lượng khách đến Việt Nam thì các cơ quan quản lý nhà nước cần đi xúc tiến, quảng bá du lịch nhiều hơn, còn để tăng thu từ du lịch thì lại phụ thuộc vào sự cố gắng của những người làm du lịch trực tiếp tại các địa phương. Tuy nhiên, việc xúc tiến du lịch đã khó, để mời du khách ở lại thêm, lấy thêm tiền từ khách cũng không hề đơn giản.

Mục tiêu tăng thu từ du lịch phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như số ngày khách ở thêm, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, các hoạt động chi tiêu nhiều như mua sắm, lưu trú, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống.

Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch cần nỗ lực, cố gắng trên nhiều mặt, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ để thu được nhiều tiền từ khách du lịch vừa đa dạng dịch vụ để khách ở lại lâu hơn. Khách du lịch ở lại thêm một đêm cũng giống như việc Việt Nam đã tăng thêm được khách du lịch.

Trong đó, một điều quan trọng đối với các doanh nghiệp làm du lịch là phải nâng cao tính trải nghiệm cho du khách. Các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, bất động sản du lịch không phải chỉ là phòng lưu trú mà cần trở thành quần thể gắn với nhiều tiện ích vui chơi giải trí như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào du lịch cũng đòi hỏi cần có nhiều ý tưởng mới, các nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch, đan xen với cộng đồng dân cư để khách du lịch có cơ hội trải nghiệm, hòa nhập với văn hóa bản địa.

Nhiều ý kiến cho rằng lỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam quay trở lại rất thấp, Tổng cục Du lịch có số liệu cụ thể về vấn đề này hay không? Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

TS. Hà Văn Siêu: Theo điều tra sơ bộ của Tổng cục Du lịch, số khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam các lần một, hai, ba cộng lại là trên 30%. 

Về những ý kiến cho rằng, lỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam quay trở lại thấp, điều tra vào các nhóm khách du lịch cho thấy, đa số những khách du lịch tham quan khám phá chỉ đi mỗi điểm đến một lần và không quay trở lại bởi họ còn đi khám phá ở những điểm đến khác ở những quốc gia khác.

Trái lại, đối với các đối tượng khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, du lịch gắn với các chủ đề như chơi golf, thể thao, làm đẹp, nếu họ yêu thích một điểm đến nào đó thì họ sẽ quay lại nhiều lần.

Từ thực tế ở Việt Nam cho thấy, loại hình du lịch tham quan khám phá vẫn là chủ yếu, chiếm phần lớn. Điều đó có nghĩa là cơ hội khách du lịch quay trở lại Việt Nam sẽ ít hơn các nước khác.

Nếu nhìn một cách lạc quan thì du lịch Việt Nam vẫn là một điểm đến mới còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, mở rộng các loại hình khác để thu hút khách quay lại. Song nhìn một cách tiêu cực thì du lịch của chúng ta còn quá đơn điệu, ít lựa chọn đa dạng để khách "chơi không biết chán", khi đó người ta mới tìm cách để lần sau quay trở lại.

Trước bài toán thu hút thêm khách du lịch đến Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng sẽ làm quá tải hạ tầng, ông có đồng tình với quan điểm này?

TS. Hà Văn Siêu: Tại Pháp, mỗi năm quốc gia này thu hút đến 70 - 80 triệu khách du lịch quốc tế, tại Thái Lan cũng thu hút hơn 38 triệu khách năm 2018. Mỗi năm Thái Lan vẫn tăng 15 - 20% khách du lịch và chưa dừng ở con số đó.

Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 đặt ra là 32 triệu khách du lịch quốc tế - bằng với Thái Lan ở thời điểm hiện tại. Như vậy, lượng khách du lịch đến Việt Nam chưa gọi là quá nhiều. 

Tất nhiên, trong quá trình phát triển cũng có những lúc cao điểm xảy ra quá tải cục bộ tại những cơ sở dịch vụ, nút giao thông, cảng hàng không, những điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều địa phương rất ít khách du lịch, mong ngày mong đêm để khách đến.

Vấn đề đặt ra là trong những thời điểm cao điểm như vậy, chúng ta phải giải bài toán đó như thế nào khi rõ ràng là nếu quá đông khách, việc khó có thể chu đáo được là không thể tránh khỏi.

Do đó, các doanh nghiệp phát triển du lịch từ khâu kết nối hàng không, cửa khẩu, hải quan, đón khách, xuất nhập cảnh, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phải chuẩn bị sẵn sàng về năng lực, nhân sự, cố gắng phục vụ khách du lịch tốt nhất để đạt được độ chuẩn, không được thấp hơn mức chuẩn. Qua đó, đảm bảo được chất lượng của điểm đến và giữ chân khách du lịch quay trở lại.

Hiện nay, việc đầu tư cho hạ tầng du lịch, sân bay, bất động sản nghỉ dưỡng đang được đẩy mạnh ở rất nhiều địa phương, điều này sẽ giúp Việt Nam phục vụ tốt hơn du khách và tác động lớn đến tăng trưởng khách du lịch.

Thực tế cho thấy, ngoài các yếu tố về tài nguyên du lịch sẵn có của địa phương, các hạng mục đầu tư mới như hạ tầng sân bay, các công trình văn hoá dịch vụ điểm nhấn cũng là các yếu tố làm tăng sức hấp dẫn của địa phương đó với khách du lịch.

Trong thời gian tới, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh. Dựa trên dự báo khách chung của từng địa phương, các cơ quan chức năng có thể hoạch định quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, sân bay, bến cảng nhà ga, cơ sở lưu trú, bất động sản nghỉ dưỡng. 

Qua đó, các nhà đầu tư có thể tính toán đầu tư, phát triển các dự án phù hợp, góp phần chung vào sự phát triển chất lượng của ngành du lịch.

Xin cảm ơn ông!